Ngày 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày, gói miễn, giảm thuế này có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21.300 tỷ đồng.

Bảo đảm người tiêu dùng được thụ hưởng từ giảm thuế giá trị gia tăng

Đi vào nội dụng cụ thể, Chính phủ đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021 với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Lĩnh vực được giảm này gồm: Vận tải; dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động xuất bản (trừ xuất bản theo hình thức trực tuyến); điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; các đại lý du lịch; sáng tác, nghệ thuật và giải trí; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; thể thao, vui chơi và giải trí.

Doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu, được giảm 30% mức tỷ lệ % tính thuế giá trị gia tăng với hàng hóa, dịch vụ. Số giảm thu ngân sách Nhà nước giảm khi áp dụng chính sách này khoảng 5.000 tỷ đồng.

Thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách tán thành với đề xuất này. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường, hỗ trợ thông qua giảm thuế giá trị gia tăng (sắc thuế gián thu) có thể dẫn đến không đạt mục tiêu chính sách, khi người thụ hưởng thật sự không phải là người tiêu dùng mà là các doanh nghiệp, tổ chức trung gian kinh doanh hàng hóa/dịch vụ.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường. Ảnh: Đ.X

Nhất là, trường hợp doanh nghiệp, tổ chức nộp thuế theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu do các đối tượng nộp thuế này chỉ sử dụng hóa đơn bán hàng (không thể hiện số thuế giá trị gia tăng).

Đề nghị bổ sung vào nghị quyết quy định “Chính phủ chịu trách nhiệm trong công tác quản lý thuế để bảo đảm người tiêu dùng (người mua hàng hóa/dịch vụ) được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng”.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cam kết, sẽ chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường quản lý, chống thất thoát. “Thuế gián tiếp nên khi giảm, người nộp thuế có thể không được hưởng mà doanh nghiệp hưởng, chúng tôi sẽ có biện pháp để tránh tính trạng này”.

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền chậm nộp

Đề xuất nữa của Chính phủ là giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 với trường hợp tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu 2021 giảm so năm 2020.

Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, hoặc chuyển đổi loại hình kinh doanh, hình thức sở hữu (sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản...) thì không áp dụng tiêu chí tổng doanh thu năm 2021 giảm so với 2020 trong kỳ tính thuế năm 2021.

Bộ trưởng Phớc cho biết, việc đề xuất bổ sung thêm điều kiện tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 để đảm bảo đối tượng được giảm thuế thực sự khó khăn do dịch COVID-19. Dự kiến số giảm thu ngân sách theo đề xuất này khoảng 2.200 tỷ đồng.

Với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Chính phủ đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021. Dự kiến số giảm thu ngân sách theo phương án này khoảng 8.800 tỷ đồng.

Chính phủ cũng đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Quy định này không áp dụng với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp. Với đề xuất này, số giảm thu ngân sách khoảng 5.300 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Đ.X

Nêu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn, doanh nghiệp không có thuế phải nộp thì thụ hưởng chính sách ra sao?  

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị rà soát thận trọng, kỹ lưỡng để đảm bảo chính sách đúng mục tiêu, hỗ trợ đúng đối tượng khó khăn, không đại trà.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói, khi thiết kế các chính sách đã tham khảo, lấy ý kiến nhiều cơ quan liên quan và các Ủy ban của Quốc hội.

“Số thuế hỗ trợ theo chính sách này, trong điều kiện thông thường chỉ bằng TP HCM thu 20 ngày. Nhưng giờ khó khăn, được Thường vụ Quốc hội ủng hộ, Chính phủ trợ giúp doanh nghiệp, thì đây là “một miếng khi đói bằng một gói khi no””, ông Phớc nhấn mạnh và cho hay, thiết kế chính sách dựa trên mức bình quân tương đối, chứ không thể đạt công bằng 100%.

Cũng theo ông Phớc, doanh nghiệp khó khăn không có thuế thì đã có chính sách miễn tiền chậm nộp thuế phát sinh trong năm 2020 và năm 2021. “Nếu bị ảnh hưởng thì năm nay sẽ dừng tính phạt chậm nộp, chỉ được vậy thôi”, Bộ trưởng nêu và cho hay, ngân sách đang rất khó khăn.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Đ.X

Tư lệnh ngành Tài chính tiếp thu các ý kiến để bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực. “Giải pháp là kê khai trước, kiểm tra sau. Thực hiện như vậy rất xác thực, giúp việc triển khai nhanh hơn”, ông nói.

Nhấn mạnh tính cấp thiết của việc triển khai sớm các giải pháp hỗ trợ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, các doanh nghiệp đang gặp rất khó khăn. Ngay tại 8 tỉnh không có dịch thì doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng đáng kể về nguồn cung ứng hàng hóa, thị trường, lao động…

Sau khi nghe các báo cáo, thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết với tỷ lệ tán thành 100%. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sớm hoàn thiện dự thảo nghị quyết theo các ý kiến đã được nêu tại phiên họp để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 1/10/2021.

Chưa thấy đề xuất gói hỗ trợ lãi suất?

Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, nhiều doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền nhưng chưa thấy đề xuất gói hỗ trợ lãi suất. “Ngân hàng thì lãi tăng, doanh nghiệp thì khó khăn, vậy khả năng giảm lãi suất cho doanh nghiệp có khả thi không?”, ông Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề.

Chung mối quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần xem xét gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.

Ông Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã bàn với Ngân hàng Nhà nước về gói hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm triển khai gói kích cầu năm 2009 không hiệu quả, khó quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị không triển khai.

“Ngân hàng Nhà nước cũng đang có chương trình giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, với cam kết của các ngân hàng khoảng hơn 24 nghìn tỷ đồng”, Bộ trưởng thông tin. 

Hương Giang