Đối với các bộ, ngành, kết quả giải ngân nguồn vốn ODA 9 tháng năm 2020 đã có phần khởi sắc, song nhiều bộ, ngành đã trả vốn với số lượng khá lớn, thậm chí có bộ trả đến 50% số vốn được giao.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ODA của các bộ, ngành trong tháng 9 đạt 4.315 tỷ đồng, tăng 559 tỷ đồng so với tháng 8 (tăng 3,14% so với tỷ lệ giải ngân trên kế hoạch vốn được giao đã ghi nhận trong tháng 8).

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tập trung giải ngân tiếp dự toán của năm 2019 và phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn, trị giá 2.671 tỷ đồng. Hiện tại, Bộ Tài chính đã ghi nhận 10/12 bộ, ngành (trừ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Đại học Quốc gia Hà Nội) có cam kết hoàn thành giải ngân sau khi điều chỉnh giảm một phần hoặc toàn bộ kế hoạch vốn. Tổng số các bộ đề nghị giảm kế hoạch vốn đang được Bộ KH&ĐT tổng hợp và chuẩn bị báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định gần 4.720 tỷ đồng.

Dẫn đầu làn sóng "trả vốn" là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với lượng vốn trả lại là hơn 1.800 tỷ đồng, xấp xỉ 50% lượng vốn được duyệt. Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lại 330,5 tỷ đồng, xấp xỉ 50%... Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Công thương, KH&ĐT cũng tham gia làn sóng "trả vốn".

Đối với các địa phương, giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA tháng 9/2020 cũng có cải thiện đáng kể (tăng thêm 8%) so với tháng 8/2020, nhưng tổng giải ngân 9 tháng năm 2020 vẫn thấp, chỉ đạt 30,4% so với dự toán được giao.

Bà Nguyễn Xuân Thảo - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, số các địa phương đã phân bổ vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA và nhập hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis), tính đến ngày 30/9 đạt 97% dự toán, tăng 6,6% so tháng 8.

Trong số dự toán nêu trên, số dự toán các địa phương đề nghị hoàn trả ngân sách Trung ương tính đến ngày 30/9 chiếm 11,73% dự toán. Về nguồn vốn Trung ương cho các địa phương vay lại, các địa phương đã phân bổ vào hệ thống Tabmis, tính đến ngày 30/9/2020 đạt 75,3% dự toán, tăng 1,2% so với thời điểm 31/8.

Tính hết hết tháng 9/2020, lũy kế số giải ngân nguồn Trung ương hỗ trợ cho địa phương là 11.033 tỷ đồng. Đối với nguồn Trung ương cho vay lại, tính đến ngày 30/9, các địa phương đã giải ngân được 8.774 tỷ đồng. Như vậy, tính chung trong 9 tháng, các địa phương trên cả nước đã giải ngân đạt gần 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA năm 2020, đạt 30,4% dự toán được giao.

Ðối chiếu với số liệu giao kế hoạch vốn năm 2020, có thể thấy nguy cơ đến hết năm nay không giải ngân hết vốn. Tổng dự toán vốn ODA được giao từ nguồn ngân sách Trung ương theo Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ là 60.000 tỷ đồng, trong đó, số được phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương và nhập vào hệ thống Tabmis là 56.700 tỷ đồng, cụ thể: Dự toán giao cho các bộ, ngành Trung ương là 18.216 tỷ đồng; dự toán giao cho các địa phương là 38.484 tỷ đồng. Về dự toán vốn ODA phần cho vay lại địa phương là 26.542 tỷ đồng. Bộ Tài chính đang trình Chính phủ phê duyệt hạn mức cho vay lại của chính quyền địa phương cùng với hạn mức cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ.

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân đạt thấp chủ yếu là các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của nước ngoài chịu sự tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn các dự án trong nước. Theo đó, các nhà thầu đều không huy động được nhân lực để thi công; máy móc, thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài... Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị dự án chưa tốt, nhiều dự án phải điều chỉnh hiệp định vay, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, phê duyệt các hợp đồng, chưa xác định được nguồn vốn ODA cấp phát…

Để đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ODA, trong các ngày 12 và 14/10, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị nhằm tìm kiếm các giải pháp đẩy mạnh việc giải ngân nguồn vốn này.

Tại hội nghị, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tham gia phát biểu ý kiến đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân trong những tháng cuối năm. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương có tiến độ giải ngân cao trong tháng 9 và một số bộ, ngành, địa phương còn nhiều vướng mắc đã nêu một số bài học kinh nghiệm trong công tác giải ngân. Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan có giải pháp điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn cho các dự án vốn vay; tiếp tục đàm phán với các định chế tài chính và tổ chức tín dụng quốc tế để nguồn vốn không giải ngân được trong năm 2020, vì lý do khách quan của đại dịch Covid-19 hay thủ tục ký kết hợp đồng, thì được chuyển sang nguồn cho năm 2021…

Ông Cao Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ KH&ĐT cho rằng, việc xin điều chỉnh dự án phải tiến hành qua rất nhiều thủ tục. Tuy nhiên, tại thời điểm này, các địa phương mới gửi công văn xin ý kiến các bộ, ngành để điều chỉnh dự án là khá muộn. Điều đó cũng cho thấy công tác chuẩn bị dự án có vấn đề, chất lượng dự án chưa cao. “Hiện Bộ KH&ĐT đã phân loại 13 nhóm dự án có thủ tục phải điều chỉnh để xem xét các nhóm dự án nào có thể rút ngắn thời gian phê duyệt điều chỉnh, dự án nào cần phải thực hiện theo đúng quy trình”, ông Cường nói.

Liên quan tới các kiến nghị xin điều chỉnh giảm vốn của các địa phương, đại diện Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT đều cho rằng, các địa phương cần phải cân nhắc kĩ, bởi nếu điều chỉnh giảm vốn giai đoạn này sẽ gây áp lực cho giai đoạn tới và dư địa có dự án mới sẽ bị hẹp lại. Bên cạnh đó, các địa phương kéo dài thời gian giải ngân sẽ khiến áp lực trả nợ tăng lên. Từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 3 tháng, nhưng còn phải giải ngân 2/3 số vốn còn lại. Với số vốn còn lại của năm 2020, các địa phương cần phải cố gắng thực hiện, tránh tình trạng tiếp tục xin điều chỉnh giảm vốn.

Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, các bộ, ngành tập trung xử lý dứt điểm; phối hợp với nhà tài trợ, các cơ quan, địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án đầu tư lớn, các dự án sắp hết hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay. Đối với các vấn đề còn vướng, còn chưa rõ về chính sách, các bộ, ngành cần sớm có ý kiến với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Trần Quý