Những chuyện rắc rối về ông Yasuhiro Saitoh 

Đầu tháng 7/2008, EIB đã trao giấy chứng nhận cổ đông cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC - Nhật Bản). SMBC trở thành cổ đông chiến lược và lớn nhất tại EIB khi nắm giữ 15% cổ phần EIB.

Sau đó, ông Yasuhiro Saitoh cùng ông Yutaka Moriwaki được biết đến với vai trò là người đại diện của SMBC và là thành viên HĐQT tại EIB.

Tuy nhiên, trong năm 2019, SMBC đã thông báo bãi miễn tư cách đại diện của cả 2 ông tại EIB.

Với Yutaka Moriwaki, sau thông báo bãi miễn, ông này lặng lẽ rời khỏi EIB kể từ ngày 9/12/2019.

Còn với ông Yasuhiro Saitoh, sự việc lại không như vậy. Thông báo của SMBC gửi HĐQT EIB, nêu rõ: “Từ ngày 18/5/2019, ông Yasuhiro Saitoh không phải là một viên chức, nhân viên, người được ủy nhiệm hay đại diện của SMBC”.

Từ đó, SMBC không còn người đại diện trong HĐQT EIB. Nguyên nhân là sau đó, các cuộc họp ĐHĐCĐ cả thường niên và bất thường của EIB đã liên tục bị trì hoãn hoặc tổ chức không thành công.

Cũng từ đó, SMBC liên tục kiến nghị đưa vào chương trình nghị sự của ĐHĐCĐ 3 nội dung: (1)Thông báo nội dung tư vấn độc lập về nhận định  các vấn đề tồn tại của EIB và các khuyến nghị khắc phục của Ủy ban Độc lập thuộc HĐQT; (2) Xem xét việc đánh giá, lựa chọn thành viên và cắt giảm quy mô HĐQT từ 10 xuống (5-7); (3)Xem xét việc từ chức của ông Yasuhiro Saitoh khỏi các vị trí thành viên và Phó Chủ tịch HĐQT EIB.

Kiến nghị của SMBC đã gặp phải sự từ chối từ HĐQT EIB hiện còn 9 người. Chỉ có 3 người ủng hộ, còn 6/9, bao gồm cả ông Yasuhiro Saitoh, đã tìm nhiều lý do để  không thực hiện.

Ngày 5/12/2019, việc liên tục từ chối kiến nghị của cổ đông  SMBC đã bị Ngân hàng Nhà nước ra 6 quyết định xử phạt về hành vi “không tổ chức hoặc tổ chức ĐHĐCĐ không đúng qui định” đối với 6 thành viên HĐQT gồm các ông: Lê Minh Quốc, Cao Xuân Ninh, Nguyễn Quang Thông, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết và Yasuhiro Saitoh.

Sau khi “dính án phạt”, vị thế ông Yasuhiro Saitoh như càng được nâng lên trong HĐQT, mặc dù SMBC vẫn quyết liệt kiến nghị đòi xem xét việc từ chức của ông cùng nội dung thanh lọc HĐQT đương nhiệm.

Ông Yasuhiro Saitoh và  chiếc “ghế nóng” Eximbank

Do bị mất tín nhiệm, ngày 23/3/2019, HĐQT EIB đã ban hành Nghị quyết 112 bãi miễn Chủ tịch Lê Minh Quốc, người thay thế là bà Lương Thị Cẩm Tú.

Bà Tú sau đó 2 ngày đã họp HĐQT và ban hành Nghị quyết 117 có nội dung: Thông qua 11 khuyến nghị của  tư vấn độc lập và có lộ trình thực hiện. Đây cũng là 1 trong 3 kiến nghị mà SMBC liên tục yêu cầu HĐQT đưa vào chương trình ĐHĐCĐ nhưng bị nhóm 6/9 thành viên từ chối. Bà này sau đó bị thay thế bằng Nghị quyết 231 – Nghị quyết gây tranh cãi pháp lý gay gắt giữa 2 nhóm đối lập cho đến hiện nay vẫn chưa kết thúc.

Tuy nhiên, Nghị quyết 231 với sự giúp sức của nhóm 6 thành viên đã ban hành và vẫn có hiệu lực. Ngay sau đó, HĐQT đã họp và ra các Nghị quyết, theo đó, ông Cao Xuân Ninh được bầu làm Chủ tịch thay ông Quốc.

Làm Chủ tịch được khoảng 1 tháng thì ngày 26/6/2019 ông Ninh có đơn từ nhiệm vì “HĐQT và nói rộng ra là các nhóm cổ đông có quá nhiều bất đồng, khó dung hòa”. Nhưng phải 1 năm sau đó, ông Ninh mới thôi chức Chủ tịch.

Ngày 15/6/2020, trước 15 ngày diễn ra ĐHĐCĐ thường niên 2020 và ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 tổ chức theo yêu cầu của SMBC, ông Cao Xuân Ninh lại nộp đơn xin từ nhiệm và được miễn nhiệm.

Trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” đó, ông Yasuhiro Saitoh được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT thay thế ông Ninh.

Việc HĐQT đồng ý tổ chức ĐHĐCĐ bất thường cho thấy sau án phạt của NHNN, đây là lần đầu tiên kiến nghị của SMBC được thực hiện nhưng lại với một lịch trình có toan tính. Đó là ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 được ấn định vào chiều ngày 30/6/2020, sau ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra buổi sáng.

Như vậy, nếu ĐHĐCĐ thường niên 2020 thành công, bầu ra HĐQT mới thì tất cả các vấn đề thanh lọc HĐQT, bỏ phiếu bất tín nhiệm HĐQT tại ĐHĐCĐ bất thường vào buổi chiều sẽ gần như vô nghĩa

Bên cạnh đó, vụ “đổi ngôi” Chủ tịch bất ngờ được nhiều người cho là nằm trong “kịch bản” gây bị động, hoang mang trước đại hội, nhằm mục đích hoặc đạt được kết quả bầu HĐQT theo ý muốn, hoặc đại hội bất thành sẽ tạo thêm thời gian để đạt được các thỏa thuận dàn xếp nhân sự giữa nhóm đang làm chủ HĐQT với các nhóm cổ đông chiếm cổ phần trên 51% nhưng liên kết yếu.

Kết quả, chỉ có 17,54% dự ĐHĐCĐ thường niên 2020 sáng 30/6, và 51,92%  dự ĐHĐCĐ bất thường buổi chiều. Cả 2 con số đều chưa đủ để tiến hành đại hội (theo qui định là từ 65% trở lên) nhưng đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của đa số cổ đông với những đề xuất của SMBC – thanh lọc HĐQT.

Sau ĐHCĐ bất thường 2019 không thành, ngày 10/7/2020, SMBC tiếp tục yêu cầu ĐHĐCĐ bất thường lần 2. Lần này, ông Yasuhiro Saitoh với chức danh Chủ tịch HĐQT đã ký văn bản từ chối với “lý do” khác các lần trước: “kiến nghị của SMBC là chưa hợp lệ do chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo qui định”.

Ông Yasuhiro Saitoh đã trở thành người thứ 3 trong 6 người dính “án phạt” vi phạm quyền cổ đông chiến lược SMBC ngồi vào “ghế nóng” của EIB.

Liệu có thêm bất thường gì trong đại hội sắp tới của EIB?

Ở vị trí Chủ tịch đương nhiệm, ông Yasuhiro Saitoh mới ra thông báo tổ chức liên tiếp 2 đại hội thường niên năm 2020 và năm 2021 lần lượt diễn ra vào ngày 26 và 27/4/2021.

Còn ĐHĐCĐ bất thường 2019, theo yêu cầu của SMBC và các nhóm cổ đông khác, cũng sẽ được tổ chức, tất nhiên là sau đại hội thường niên.

Ngày 6/4, vào thời điểm đại hội chỉ còn 20 ngày, giống như người tiền nhiệm Cao Xuân Ninh, ông Yasuhiro Saitoh lại viết đơn từ nhiệm.

Điều lạ xảy ra trong buổi sáng ngày 13/4, Yasuhiro Saitoh lại đồng ý tham gia vụ “đổi ngôi” chưa từng có: Ông Nguyễn Văn Thông được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ký Nghị quyết bãi nhiệm ông, để rồi sau vài chục phút, chính ông Yasuhiro Saitoh lại ký Nghị quyết bầu chính ông trở lại chiếc ghế  vừa từ bỏ.

Sự “thoắt ẩn, thoắt hiện” cho thấy ôngYasuhiro Saitoh vẫn là một ẩn số khó hiểu.

Dù thế, có thể khẳng định, là sau 3 năm không tổ chức được ĐHĐCĐ, 8 lần thay đổi “ghế nóng”, 7 năm liền cổ đông không được chia cổ tức, EIB đã tới hạn của sự phải ổn định của một tổ chức tín dụng có yếu tố ngân hàng nước ngoài. Hy vọng rằng với sự vào cuộc của NHNN, cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm của các cổ đông, chuyện “ẩn số” Yasuhiro Saitoh, hay toan tính của một nhóm nào đó,  sẽ không có ý nghĩa nhiều trong mục tiêu thành công của ĐHĐCĐ tại một ngân hàng đang rất cần sự ổn định như EIB.

Ngày 18/12/2020, Thanh tra giám sát NHNN đã công bố Kết luận Thanh tra số 4661, chỉ ra hàng loạt vi phạm tại EIB, trong đó có nội dung: Tập thể HĐQT, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát chưa nghiêm túc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo qui định của pháp luật. Chủ tịch HĐQT và các thành viên không nghiêm túc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, dẫn đến vi phạm khi tiến hành các cuộc họp HĐQT, ban hành các Nghị quyết.

Do thiếu phối hợp trong chỉ đạo điều hành, mất đoàn kết, chưa có Tổng Giám đốc và Người đại diện theo pháp luật; EIB không tổ chức được ĐHĐCĐ, vì vậy đã ảnh hưởng tới tình hình hoạt động, hình ảnh của đơn vị niêm yết, suy giảm nghiêm trọng lòng tin của cổ đông trong nước và cổ đông nước ngoài, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng tới uy tín của NHNN, tiềm ẩn rủi ro pháp lý cho EIB.  

https://congluan.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-o-eximbank-post128942.html

Việt Hà/Báo Nhà báo và Công luận