Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn, dịch bệnh Covid-19 dẫn đến số thu BHXH, bảo hiểm thất nghiệp bị ảnh hưởng lớn. Các doanh nghiệp gặp khó khăn tiếp tục nợ thêm tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, trong 9 tháng năm 2020, số người tham gia BHXH là 15,51 triệu người, đạt tỷ lệ 94,7% kế hoạch, chiếm khoảng 31,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Để đạt chỉ tiêu kế hoạch, số người còn phải phát triển đến cuối năm là 869.000 người. 

“Tính đến tháng 9/2020, số đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp vẫn đang giảm hơn 500.000 đối tượng so với cuối năm 2019. Tính đến hết tháng 9/2020 còn 905 doanh nghiệp, với 82.238 lao động và số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là trên 329 tỷ đồng”, ông Sơn thông tin.

Để giải quyết những vướng mắc hiện nay, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn đề xuất, quy định cụ thể, rõ ràng về hợp đồng lao động, các loại hợp đồng khác phải tham gia BHXH.

Cùng với đó, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Chỉ quy định doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài lập danh sách tham gia và có trách nhiệm thu tiền của người lao động để đóng vào quỹ BHXH.

Ông Sơn cũng cho rằng, cần sửa đổi quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động thấp nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lượng của người lao động.

Ngoài ra, tăng mức hỗ trợ mức đóng cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện; linh hoạt hơn về mức hỗ trợ, quy định mức hỗ trợ tối thiểu để địa phương nào có điều kiện thì có cơ chế để hỗ trợ thêm một phần mức đóng BHXH tự nguyện.

“Cần quy định xử lý nợ đối với đơn vị phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ bỏ trốn còn nợ nhưng không còn khả năng trả nợ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, ông Sơn nói.

Cần tiếp tục điều chỉnh chi phí quản lý BHXH

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Nguyễn Bá Hoan nêu, chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 thực hiện theo Nghị quyết số 528/2018/UBTVQH14.

Từ năm 2022 trở đi, việc giao dự toán và thực hiện chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cần tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động bộ máy và các định hướng của Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương (Nghị quyết số 21-NQ/TW) và cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28-NQ/TW).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, cơ quan Trung ương đã đặt ra đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (Nghị quyết số 21-NQ/TW).

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (Nghị quyết số 28-NQ/TW). Song song với đó là hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4…

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH lưu ý, cần triển khai có hiệu quả các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm đây thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.

“Chi phí tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp lấy từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, không lấy từ ngân sách Nhà nước. Có cơ chế tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động biến động nhanh chóng và cuộc cách mạng công nghệ 4.0”, ông Hoan nhấn mạnh.

BHXH tăng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra

Đề cập tới bảo hiểm thất nghiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt cho rằng, những năm qua, số lượng người tham gia BHXH có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Mặt khác, theo bà Nguyệt, vẫn còn đang có tình trạng lao động nhảy việc, làm ở doanh nghiệp này một thời gian rồi lại nhảy việc sang công ty khác, sau đó lại tiếp tục xin việc làm ở một nơi khác.

“Điều này làm gia tăng lao động chuyển đổi công việc để hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, họ lại không tham gia vào việc mua các loại bảo hiểm khác dẫn đến không đảm bảo an sinh xã hội”, bà Nguyệt nêu.

Từ đó, theo bà Nguyệt, Bộ LĐ-TB&XH cùng với BHXH Việt Nam cần rà soát lại những đối tượng như trên để không ảnh hưởng và đảm bảo thực hiện công tác an sinh xã hội tốt hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị, Cơ quan BHXH Việt Nam cùng với Bộ LĐ-TB&XH đánh giá lại việc thực hiện BHXH ở các doanh nghiệp, người dân, người lao động tham gia như thế nào cũng như việc thực hiện BHXH tác động đến phát triển kinh tế-xã hội ra sao, để từ đó, có giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện tốt chính sách này.

Kiên Trung