Những cải cách thuế đã góp phần giúp thông tin đến với người nộp thuế (NNT) một cách sâu rộng, đảm bảo tính chính xác và kịp thời, rõ ràng, giúp NNT hiểu rõ và hiểu đúng chính sách, từ đó tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) thuế.

Hệ thống pháp luật về thuế đã được hoàn thiện đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng

Từ năm 2011 đến nay, Tổng cục Thuế đã chủ động nghiên cứu, đánh giá sơ kết, tổng kết triển khai các luật thuế như: Luật thuế GTGT, Luật thuế TNDN, Luật Quản lý thuế… và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, quản lý thuế theo đúng trình tự, thủ tục quy định để kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, hệ thống pháp luật về thuế và quản lý thuế đã được hoàn thiện đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng, theo đúng lộ trình, vừa bảo đảm yêu cầu về hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, vừa đáp ứng yêu cầu cải cách hệ thống thuế theo hướng mở rộng các đối tượng chịu thuế, bao quát các nguồn thu ngân sách Nhà nước, đổi mới và hiện đại hóa cơ chế quản lý thuế, tạo điều kiện cho tái cấu trúc quy trình quản lý thuế; đồng thời đơn giản hóa TTHC và thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa sản xuất trong nước, khuyến khích sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, đầu tư, đổi mới công nghệ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Cụ thể, từ năm 2011 đến hết năm 2019, Tổng cục Thuế đã chủ trì trình Bộ Tài chính, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội ban hành 1 Luật, 1 Nghị quyết của Quốc hội; 4 Nghị định của Chính phủ, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 110 Thông tư, Thông tư liên tịch.

Một trong những kết quả nổi bật trong giai đoạn này là Tổng cục Thuế đã chủ trì trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Quản lý Thuế năm 2019 (thay thế Luật Quản lý Thuế năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung ba lần vào các năm 2012, 2014, 2016) là văn bản pháp lý quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thuế toàn diện, thống nhất, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế; qua đó nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thuế, chống thất thu, gian lận thuế; đồng thời cũng góp phần tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực. 

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã chủ trì trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế.

Hiện nay, Tổng cục Thuế đang khẩn trương hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền để kịp thời ban hành những văn bản quy định chi tiết Luật Quản lý thuế năm 2019 để đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ khi đưa Luật vào thực tiễn đời sống.

Chủ động để xuất các phương án đơn giản hóa các TTHC thuế

Để triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, Tổng cục Thuế đã chủ động để xuất các phương án đơn giản hóa các TTHC thuế.

Kết quả: Đã thống nhất mã số đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế thành 01 mã số doanh nghiệp duy nhất và thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông, từ đó rút ngắn được thời gian cấp mã số thuế từ 30 ngày xuống còn không quá 3 ngày làm việc.

Cơ quan thuế đã đơn giản hóa các mẫu biểu, tờ khai thuế của tất cả các sắc thuế; phối hợp với các ngân hàng triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế đối với trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” từ 15 ngày xuống còn 6 ngày làm việc.

Người nộp thuế tự xác định điều kiện, mức, thời gian miễn thuế, giảm thuế theo quy định của Luật và được thể hiện số tiền thuế miễn, giảm trên tờ khai quyết toán thuế hàng năm...

Việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC đã bám sát mục tiêu, yêu cầu về cải cách TTHC tại các Nghị quyết, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Tổng cục Thuế đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành thực hiện nghiêm các quy định, quy trình về kiểm soát TTHC.

Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến hết năm 2019, Tổng cục Thuế đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị chủ trì trình Bộ Tài chính ban hành 6 Quyết định công bố TTHC, bãi bỏ 4 TTHC; sửa đổi, bổ sung 5 TTHC và ban hành mới 6 TTHC.

Đến nay, số lượng TTHC trong lĩnh vực thuế là 304 TTHC, trong đó có 6 TTHC về hóa đơn điện tử. Trên cơ sở Quyết định công bố TTHC, Tổng cục Thuế đã thực hiện việc công khai và cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng quy định.

Việc cắt giảm, đơn giản hoá TTHC cũng như triển khai cơ chế một cửa trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của Tổng cục Thuế đã mang lại những hiệu quả tích cực, đáng ghi nhận như: tiết kiệm thời gian thực hiện các TTHC cho người dân, doanh nghiệp; mọi quy trình giải quyết TTHC đều được công khai, minh bạch đảm bảo cho mọi cá nhân, tổ chức có th bụể tiếp cận, đồng thời có thể kiểm tra, giám sát được hoạt động của cơ quan nhà nước; TTHC được quy định cụ thể từng bước thực hiện, giảm bớt các bước trung gian, không cần thiết, tăng tính phối hợp, kế thừa kết quả giải quyết của các cơ quan Nhà nước; được ứng dụng xây dựng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc, gặp gỡ giữa cá nhân, tổ chức với cán bộ trực tiếp xử lý hồ sơ TTHC.

Ban Mai