TCty Cổ phần Sông Hồng là doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trực thuộc Bộ Xây dựng. Vốn Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện sở hữu 13,2 triệu cổ phần, chiếm 49,04% vốn.  

TCty Cổ phần Sông Hồng tiền thân là Cty Kiến trúc Việt Trì được Bộ Kiến trúc thành lập ngày 23/8/1958. Ngày 4/9/1991, đổi tên thành TCty Xây dựng Sông Hồng. Ngày 25/8/2006, chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Ngày 2/6/2010, chính thức chuyển đổi và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần (CTCP) với tên gọi là TCty Cổ phần Sông Hồng với vốn điều lệ 270 tỷ đồng. Ngày 10/4/2015, cổ phiếu của công ty chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, hiệu quả kinh doanh của TCty liên tục đi xuống. Năm 2012, doanh thu đạt 1.484 tỷ đồng, năm 2013 giảm xuống còn 1.336 tỷ đồng, đến năm 2019 rớt xuống còn hơn 63,1 tỷ đồng. Tỷ lệ thuận với sự lao dốc của doanh thu là sự đi xuống của lợi nhuận. Năm 2013, lợi nhuận sau thuế của TCty bắt đầu âm 3 tỷ đồng, mức lỗ tăng dần qua các năm và đến năm 2019, số lỗ lũy kế lên tới hơn 666 tỷ đồng.

Báo cáo số 13680 ngày 6/11/2020 về tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2019 của TCty Cổ phần Sông Hồng của Bộ Tài chính gửi Bộ Xây dựng và người đại diện vốn Nhà nước tại TCty Cổ phần Sông Hồng cho thấy, tổng doanh thu năm 2019 của công ty mẹ đạt 34 tỷ đồng, giảm 178,9 tỷ đồng, tương ứng giảm 83,8% so với năm 2018.

Tổng doanh thu toàn TCty năm 2019 đạt 68 tỷ đồng, giảm 70% so với tổng doanh thu năm 2018. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2019 của TCty tiếp tục âm 72,8 tỷ đồng, lỗ lũy kế 973 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu năm 2019 toàn TCty âm 666 tỷ đồng, mất toàn bộ vốn đầu tư của chủ sở hữu.  

Bộ Tài chính nhận định, TCty không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn (dưới 1 năm). Nợ ngắn hạn của công ty mẹ tại ngày 31/12/2019 là 1.117 tỷ đồng, cao hơn số dư tài sản ngắn hạn (tài sản ngắn hạn tại ngày 31/12/2019 là 505,2 tỷ đồng). TCty đang bị mất cân đối tài chính, một phần nợ ngắn hạn được sử dụng để tài trợ cho tài sản dài hạn và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục.

Về hiệu quả hoạt động đầu tư, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 31/12/2019, Tổng Cty Cổ phần Sông Hồng có số dư đầu tư tài chính tại 30 công ty với tổng số tiền 284 tỷ đồng; cổ tức được chia năm 2019 là 1,4 tỷ đồng; tỷ suất sinh lời rất thấp, chỉ đạt 0,5%.

“Trong số 30 doanh nghiệp TCty Cổ phần Sông Hồng có góp vốn đầu tư, TCty phải thực hiện trích lập dự phòng đầu tư tài chính tại 22 đơn vị với tổng số tiền là 221 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản đầu tư tại công ty con, công ty liên doanh, liên kết. Điều này cho thấy hoạt động đầu tư ra ngoài của TCty Cổ phần Sông Hồng không có hiệu quả”, Bộ Tài chính đánh giá.

Theo Bộ Tài chính, tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh, đầu tư của TCty Cổ phần Sông Hồng rất khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của TCty. Đến thời điểm ngày 31/12/2019, TCty Cổ phần Sông Hồng bị mất toàn bộ vốn đầu tư của chủ sở hữu, số lỗ lũy kế lớn và không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn; vốn Nhà nước đầu tư tại TCty không được bảo toàn.

Trước thực trạng đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo người đại diện vốn Nhà nước tại TCty khẩn trương xây dựng các giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, triển khai tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu các khoản đầu tư, cân đối dòng tiền, đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì hoạt động liên tục của TCty.

Báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ, tháng 8/2016, cho thấy, Bộ đã thực hiện tái cơ cấu toàn diện TCty bằng việc “thay máu” lãnh đạo cấp cao, tái cấu trúc vốn, tái cấu trúc tài chính, thu hồi vốn cùng công nợ, tái cơ cấu nợ và tái khởi động công tác chuẩn bị các dự án.

Tại Đại hội Cổ đông bất thường của TCty vào tháng 7/2016, đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị TCty đối với ông Đặng Tiên Phong. Đồng thời bầu ông Trần Huyền Linh giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Ông Lã Tuấn Hưng giữ chức Tổng Giám đốc.

Ông Lã Tuấn Hưng hiện đang nắm giữ hơn 5,3 triệu cổ phần của TCty Cổ phần Sông Hồng. Ông Trần Huyền Linh nắm giữ gần 3 triệu cổ phần. Ông Phan Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc TCty Cổ phần Sông Hồng có hơn 4 triệu cổ phần.

Tuy có dàn lãnh đạo mới, nhưng giai đoạn từ năm 2016 đến nay, hoạt động kinh doanh của TCty Cổ phần Sông Hồng ngày càng tụt dốc. Những năm gần đây, TCty gần như không triển khai thêm dự án đầu tư nào và cũng không có hợp đồng thi công xây lắp mới.

Trước tình trạng thua lỗ, vào tháng 9/2019, TCty Cổ phần Sông Hồng đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ xin bán vốn ngay trong năm 2019 vì doanh nghiệp đã âm vốn điều lệ đến 600 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng đã có báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa TCty Cổ phần Sông Hồng vào danh mục thoái vốn Nhà nước hết năm 2020.

Theo kế hoạch, Bộ Xây dựng triển khai công tác thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trước ngày 30/11/2020. Trường hợp không thoái vốn thành công, sẽ chuyển giao về TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trước ngày 31/12/2020.

Câu hỏi đặt ra: Tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm khi TCty Cổ phần Sông Hồng mất toàn bộ vốn chủ sở hữu?

Trần Quý