Quyết tâm thực hiện kế hoạch

Ngày 3/6/2017, Nghị quyết 10-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành với mục tiêu "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Nghị quyết ra đời được cộng đồng DN và nhiều tầng lớp nhân dân ủng hộ, mong chờ một nền kinh tế khởi sắc, một môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm phát huy sức cạnh tranh các DN, ổn định sản xuất và phát triển kinh tế của đất nước.

Lần đầu tiên, một nghị quyết của Trung ương Đảng dành riêng cho khối kinh tế tư nhân nhằm hướng đến mục tiêu quyết tâm hoàn thành kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Với tinh thần hưởng ứng tích cực chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 3/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 98-NQ/CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TƯ triển khai nhiệm vụ đến các Bộ, ngành và địa phương nhằm hỗ trợ, phối hợp cùng DN tư nhân phát huy tối đa nguồn lực, ngày càng trở thành lực lượng hùng mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ngoài việc tiếp tục thay đổi cơ chế, chính sách từ Trung ương đến địa phương nhằm tạo điều kiện tối đa cho cá nhân, DN hoạt động kinh doanh, trong Nghị quyết này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện triệt để chủ trương cổ phần hóa các DN Nhà nước, bán cổ phần cho các nhà đầu tư tư nhân trong nước, giảm tỉ lệ sở hữu vốn Nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành.

Các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính đang gây khó khăn, cản trở hoạt động của DN.

Nhờ các chính sách tạo sự bình đẳng trong việc cạnh tranh, phát huy hiệu quả tối đa của các thành phần kinh tế, DN tư nhân được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tham gia trở thành cổ đông của các công ty cổ phần có vốn Nhà nước, tham gia cung ứng dịch vụ công trong nhiều lĩnh vực như: Giao thông, năng lượng, viễn thông, đô thị, cấp, thoát nước, thủy lợi, xử lý chất thải…

Khối DN này được khuyến khích tham gia vào các hoạt động đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thông qua các hình thức đối tác công - tư.

Mới đây, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 được tổ chức tại Hà Nội do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì đã ghi nhận kết quả đáng khích lệ về phát triển khối kinh tế tư nhân sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kinh tế tư nhân dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực này đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký và mua cổ phần, góp vốn vào Việt Nam đạt 14,6 tỷ USD, tăng 81% so cùng kỳ năm 2018. Vốn FDI thực hiện ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Đây là những thuận lợi cho các DN trong nước vì sẽ tăng thêm sự liên kết ảo (hợp tác với các đối tác trong nước - PV), nhằm giúp DN tư nhân có thêm cơ hội phát triển ổn định, một chuyên gia kinh tế cho biết.

Lắng nghe ý kiến doanh nghiệp

DN là đối tượng phục vụ, được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư, kinh doanh và phát triển là một trong những nguyên tắc được Chính phủ chú trọng thông qua các văn bản đã ban hành.

Cần có đột phá về môi trường kinh doanh; hiện nay, môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, đôi khi thể chế chính sách còn chưa theo kịp; cần có những giải pháp, lộ trình cụ thể; chúng tôi sẵn sàng lắng nghe ý kiến của doanh nhân. Đó là những lời của người đứng đầu Chính phủ với quyết tâm hỗ trợ khó khăn, vướng mắc của DN trong Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra tại Hà Nội.

Theo Thủ tướng, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp tư nhân có thể cạnh tranh toàn cầu, đồng thời yêu cầu các cấp, ngành cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá sự thật.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. Ảnh: Đông Hà

 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước, vẫn còn những trường hợp DN than phiền về cách vận dụng các quy định chưa nhất quán. Điển hình như trường hợp Cục thuế TP HCM ban hành Quyết định số 3506/QĐ-CT ngày 29/6/2018 về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế (từ 2012 - 2017) đối với Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) số tiền lến đến gần 150 tỷ đồng. 

Đại diện Công ty Nguyễn Kim cho rằng, chính sách thuế hiện nay còn nhiều bất cập. Công ty Nguyễn Kim là một DN tư nhân có thương hiệu mạnh, đã từng được bình chọn là một trong những DN bán lẻ hàng đầu châu Á; hàng năm DN thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước hàng trăm tỉ đồng. Là một DN lớn, lãnh đạo Nguyễn Kim luôn ý thức việc chấp hành các quy định của pháp luật. Quyết định xử phạt số 3506/QĐ-CT của Cục thuế TP HCM đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu của công ty, làm đối tác nước ngoài rất cẩn trọng khi đánh giá về mức độ rủi ro về chính sách thuế khi đầu tư vào Việt Nam.

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2015, Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group (Thái Lan) đã mua 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT - đơn vị sở hữu Công ty Nguyễn Kim và trở thành đối tác với tổ chức này tại Việt Nam. Từ năm 2012 - 2017 (giai đoạn thanh tra thuế), công ty đã nộp vào ngân sách Nhà nước tổng cộng là 1.114 tỷ đồng. Điều đáng nói là, trong giai đoạn này, mỗi năm đơn vị đều được Thanh tra thuế và Tổng Cục thuế, Cục thuế TP HCM tặng Giấy khen vì đã có thành tích chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế!?

Ông Võ Văn Đồng, nguyên Cục trưởng Cục III (Thanh tra Chính phủ), cho biết: Mục đích thanh tra, kiểm tra nhằm giúp cho DN thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, nhằm phát triển sản xuất kinh doanh được tốt hơn. Tuy nhiên, việc áp dụng không nhất quán về chính sách nên mới xảy ra các trường hợp khiếu nại. Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực cải cách về thủ tục, thay đổi về chính sách để phát triển DN tư nhân cũng như kêu gọi đầu tư nước ngoài. Nếu không có sự thống nhất trong công tác điều hành giữa các Bộ, ngành, giữa các cấp trong việc thanh kiểm tra, hướng dẫn DN thì khó thực hiện được kế hoạch đề ra.

Tăng cường kiểm tra việc thực hiện

Vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ phải được thể hiện trong Chương trình hành động. Phương châm thực hiện là đồng hành cùng DN, tạo môi trường thuận lợi cho trong việc đầu tư, kinh doanh.

Nhằm đảm bảo hiệu quả của chương trình, công tác chỉ đạo, kiểm tra được tăng cường từ các cấp; trong đó quy định, việc triển khai thực hiện của các bộ, cơ quan và ở từng địa phương định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng Chính phủ; tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng DN, với các cơ quan báo chí để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đề ra biện pháp xử lý.  

Trong cuộc thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và đại diện Kiểm toán Nhà nước nêu ra những quan điểm chưa nhất quán về việc thanh tra, kiểm tra đối với DN.

Thực trạng trên vẫn còn tồn tại giữa các bộ, ngành, giữa các cấp gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động DN.

Đã đến lúc cần phối hợp nhằm đề ra giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vận dụng tính nhất quán trong quá trình thực thi công vụ; vì mục đích thanh tra, kiểm tra đều nhằm giúp đối tượng bị thanh tra, kiểm tra nhận thức việc chấp hành pháp luật, từ đó, hướng dẫn thực hiện đúng quy định; đồng thời phát hiện, xử lý những cơ quan, đơn vị cố tình gây khó khăn cho DN, đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc xóa bỏ mọi rào cản, thay đổi chính sách, cơ chế để phát huy mọi nguồn lực thể hiện trong Chương trình hành động đã đề ra.

Để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua, trước đó, Nghị quyết 35 của Chính phủ cũng nêu rõ các nhiệm vụ - giải pháp để các cơ quan thực hiện.

Theo đó, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự; tạo môi trường lành mạnh, an toàn để DN kinh doanh.

Đồng thời, giao cơ quan Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp Kiểm toán Nhà nước và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi, ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và kiểm toán theo hướng lồng ghép; phối hợp và kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; thống nhất nhận thức, quán triệt sâu sắc tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân; hình thành tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực và quy mô lớn, đó là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước nhằm mang lại sự ấm no, hạnh phúc cho toàn dân.  

Đông Hà