Giá giao dịch liên kết sẽ được thanh tra, kiểm tra

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế Nguyễn Thị Lan Anh, người nộp thuế có GDLK phải thực hiện kê các kê khai liên kết; loại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để xác định nghĩa vụ thuế đối với các GDLK tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện.

Cơ quan thuế có trách nhiệm thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giá GDLK của người nộp thuế. Thực hiện theo nguyên tắc giao dịch độc lập và bản chất quyết định hình thức để công nhận các GDLK làm nghĩa vụ thuế của DN với ngân sách Nhà nước và thực hiện điều chỉnh giá GDLK để xác định đúng nghĩa vụ thuế theo quy định của Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Hướng dẫn chi tiết để người nộp thuế áp dụng trong thực tế

Để thực hiện nguyên tắc trên thì các Điều 6, 7, 8 về phân tích so sánh, phương pháp xác định giá và chi phí GDLK quy định rõ (thuộc Chương II, Nghị định 20/2017/NĐ-CP).

Theo Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 1/5/2017, có 3 phương pháp xác định giá GDLK gồm: So sánh giá giao dịch độc lập; so sánh tỷ suất lợi nhuận của người nộp thuế với tỷ suất lợi nhuận của các đối tượng so sánh độc lập; phân bổ lợi nhuận.

Từng phương pháp cũng được quy định cụ thể về các trường hợp, nguyên tắc áp dụng và phương pháp xác định. Đồng thời để người nộp thuế và cơ quan thuế dễ dàng áp dụng, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn thêm các phương pháp xác định tại Thông tư hướng dẫn Nghị định. Trong Thông tư này, Bộ Tài chính hướng dẫn thêm về việc áp dụng phương pháp so sánh lợi nhuận để người nộp thuế có thể áp dụng trong thực tế.

Các trường hợp được miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giao dịch liên kết

Nhiều nội dung khác về xác định chi phí tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với DN có GDLK; cơ sở dữ liệu trong kê khai, xác định, quản lý giá, nghĩa vụ kê khai, chuẩn bị hồ sơ GDLK... cũng được sự quan tâm theo dõi của cơ quan quản lý về thuế, DN.

Trong đó, một số điểm được Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế nhấn mạnh là: “Người nộp thuế không được trừ vào chi phí tính thuế thu nhập DN trong kỳ đối với các khoản chi phí phát sinh của GDLK không phù hợp bản chất giao dịch độc lập hoặc không góp phần tạo ra doanh thu, thu nhập cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng mức chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% của Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA)".

Đối với công ty mẹ tối cao mà trụ sở chính ở Việt Nam có ngưỡng doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 18 nghìn tỷ đồng trở lên có nghĩa vụ lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia gửi cho cơ quan thuế.

Trong  khi đó, các trường hợp được miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá GDLK bao gồm: Miễn kê khai phương pháp xác định giá, miễn lập hồ sơ xác định giá nếu người nộp thuế chỉ phát sinh giao dịch với bên liên kết trong nội địa, áp dụng cùng thuế suất, không bên nào được hưởng thuế thu nhập DN.

Miễn lập hồ sơ giá GDLK nếu: Người nộp thuế có tổng doanh thu dưới 50 tỷ đồng và giá trị GDLK dưới 30 tỷ đồng; người nộp thuế đã ký APA với cơ quan thuế. Và đối với người nộp thuế có chức năng đơn giản, rủi ro thấp, doanh thu dưới 200 tỷ đồng, áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập DN trên doanh thu 5% đối với phân phối, 10% đối với sản xuất và 15% đối với gia công...

Hữu Oanh