Sáng 3/6, QH thảo luận ở hội trường việc phân bổ, sử dụng nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Tạo áp lực lớn cho kế hoạch đầu tư giai đoạn sau

Cho ý kiến, ĐB Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho rằng, nếu đồng ý cho chia phần vốn dự phòng sẽ thiếu khoảng 155 ngàn tỷ đồng trái với qui định của Luật Đầu tư công và làm cho các dự án đang triển khai đã thiếu tiền càng thiếu tiền thêm, các dự án mới cũng không có nhiều tiền để thực hiện.

Theo ĐB, các tờ trình của Chính phủ ngoài phương án phân bổ, chia dự phòng chung không có thuyết minh bổ sung nguồn hay phương án cắt giảm điều chỉnh các dự án để tạo nguồn triển khai các dự án dự kiến sử dụng dự phòng. Nếu phân bổ dự phòng thì mức vốn trung hạn giao cho các bộ, ngành, địa phương của năm 2020 sẽ là 372 ngàn tỷ đồng, trong khi chỉ thu xếp được 217 ngàn tỷ đồng.

“Quyết tâm thực hiện thì hệ quả sẽ là đầu tư dàn trải, tạo cơ chế xin cho và xin cho là chắc chắn khi cam kết chi vượt khả năng thu xếp tiền”, ông Hàm lo ngại và nhấn mạnh, “nói đến tiền, đến chi ngân sách không thể nói khoảng, sẽ mà cần phải cụ thể”. Hơn nữa, hầu hết các dự án mới không đủ điều kiện để đưa vào kế hoạch; nhiều dự án chưa đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên theo các nghị quyết của QH.

Tuy đồng ý với cơ quan thẩm tra là giao Chính phủ chuẩn bị, quyết định theo nguyên tắc, nhưng theo ĐB Hàm, “Chính phủ cần quyết tâm hơn, QH cần nghiêm khắc hơn, không nên để trình trạng này xảy ra thêm 1 lần nữa”.

ĐB Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) lưu ý, việc bổ sung khoảng 400 dự án mới từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo phương án được trình chưa đáp ứng yêu cầu.

“Phần lớn các dự án chưa có quyết định chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền, nên chưa thể làm rõ về sự cần thiết, mức độ khả thi, hiệu quả cũng như chưa biết về thời gian, tiến độ thực hiện. Và chưa xác định rõ nguồn vốn, khả năng cân đối vốn để thực hiện dự án”, ông Giang phân tích.

Theo giải trình của Chính phủ, để thực hiện các dự án sẽ bổ sung thêm nguồn vốn ưu tiên chi cho đầu tư từ các nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hàng năm, tăng thu, tiết kiệm chi (nếu có). Trường hợp không bù đắp được sẽ tiếp tục cân đối bằng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương hàng năm của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Nhưng, ĐB Giang cho rằng, không khả thi và trường hợp nếu có vốn để bố trí cũng chỉ được một phần nhỏ, tạo áp lực cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau, khó bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt.

“Chưa bổ sung các dự án mới từ nguồn dự phòng chung, trừ các dự án thực sự cần thiết, bất khả kháng, cấp bách theo đúng quy định”, ông Giang đề nghị.

Chung quan điểm, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nêu rõ, nguyên tắc trong quản lý ngân sách là nếu không đảm bảo về nguồn thì phải giảm chi. “Nếu cứ bổ sung dự án khi không có nguồn sẽ dẫn đến dàn trải, kém hiệu quả trong đầu tư công”, ông lưu ý.

ĐBQH Trần Văn Lâm

 

Tuy nhiên, do thời gian còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này đã gấp (chỉ còn 1,5 năm), ĐB đề nghị, QH cho phép Chính phủ tiếp tục đánh giá khả năng cân đối nguồn để có nguồn đến đâu, chuẩn bị dự án đến đó, sau đó báo cáo Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH quyết định và UBTVQH sẽ báo cáo lại QH tại kỳ họp gần nhất để đảm bảo kịp thời, phù hợp quy định của luật pháp, tránh lãng phí.

Dành rất nhiều tiền trả nợ cho ngành giao thông và còn trả tiếp

Giải trình, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, ý kiến của các ĐB nêu rất chính xác, hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, đất nước đang trong quá trình phát triển nên nhu cầu cho đầu tư rất lớn. Trong khi, đã phân bổ hết số vốn dự kiến đầu tư cho 5 năm, chỉ còn nguồn dự phòng.

“Các địa phương, bộ, ngành hiện đang có rất nhiều vấn đề bức xúc đặt ra, từ giao thông cho đến hạ tầng xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu… Rất nhiều nhưng không thể làm được vì không có tên trong danh mục dự án mà QH đã quyết định rồi”, ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 mới tập trung chủ yếu vào giải quyết các vấn đề tồn tại của các nhiệm kỳ trước. Trong 9.600 dự án triển khai thì chỉ có 400 dự án mới được khởi công, còn lại là trả nợ và thanh toán cho các dự án chuyển tiếp.

“Trong nhiệm kỳ vừa rồi đã dành rất nhiều tiền để trả nợ cho ngành giao thông và hiện nay vẫn đang còn nợ trên 20.000 tỷ. Như vậy, còn phải giải quyết tiếp trong nhiệm kỳ tới, có khi nhiệm kỳ nữa cũng chưa hết nợ của ngành giao thông”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Trước băn khoăn của ĐB về việc thuyết minh của Chính phủ thiếu thuyết phục, theo Bộ trưởng, việc phân bổ khoản dự phòng là dự kiến trước kế hoạch để triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư. Nếu không chuẩn bị trước thì không thể có dự án để khi có nguồn lực là có thể phân bổ ngay, giải ngân ngay. “Đây cũng là khắc phục việc giải ngân chậm mà QH đã nêu rất nhiều trong mấy ngày qua”, ông Dũng nói.

Vậy nguồn lực lấy ở đâu như các ĐB đặt ra? Theo Bộ trưởng, đây là câu hỏi rất lớn. “Nếu phân bổ hết vốn dự phòng này, so với kế hoạch được phê duyệt, chúng ta thiếu 155 nghìn tỷ đồng. Nhưng đang có rất nhiều các dự án không triển khai được. Mỗi một năm, tốc độ giải ngân mới chỉ đạt loanh quanh 80%, như vậy đang còn khoảng 20% không giải ngân hết”, ông Dũng giải trình và nhấn mạnh, việc phân bổ dự phòng chung ở thời điểm hiện nay là cần thiết.

Kết luận phiên thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu rõ, tổng thể thì Chính phủ chỉ ra, nhưng cụ thể giảm thế nào, giảm công trình nào để  lấy tiền chuyển sang công trình khác thì chưa chỉ ra được. Nếu để đến cuối năm mới báo cáo được cụ thể thì có thể làm chậm đi quá trình.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển kết luận phiên họp

 

Vì vậy, theo ông Hiển, trong quá trình đó Chính phủ thu hồi được bao nhiêu thì đồng thời bố trí những dự án cần thiết, cấp bách theo đúng Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, các nghị quyết của QH và kết luận của UBTVQH, cũng như khắc phục các tồn tại, khiếm khuyết trong báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách chỉ ra.

“Như vậy, tôi nghĩ rất chặt, đúng nghĩa như trong kết luận của TVQH là nghe chừng tưởng thoáng nhưng "lạt mềm lại buộc chặt"; giao kiểm toán kiểm tra việc đó như thế nào và Kỳ họp thứ 10 phải báo cáo để QH giám sát, kiểm chứng xem nếu có giao thì Chính phủ có làm đúng không?”, Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo ông Hiển, quyền quyết định giao hay không giao là của QH.

Hương Giang