Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Sau 1 năm triển khai luật, đã có 11 bộ, ngành ở Trung ương và 62 địa phương đã ban hành văn bản về phân cấp thẩm quyền trong việc quản lý, sử dụng tài sản công; 12 bộ, ngành và 32 địa phương đã ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dụng; tạo ra sự đồng bộ chung trong việc thực thi quy định pháp luật.

Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản - Bộ Tài chính La Văn Thịnh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại cần sớm được giải quyết. Một số loại tài sản và lĩnh vực còn thiếu các văn bản quy định chi tiết hoặc không còn phù hợp với luật, nhưng chưa được thay thế, sửa đổi, bổ sung, như: Việc quản lý, khai thác quỹ nhà, đất do công ty quản lý kinh doanh nhà quản lý, việc chuyển đổi mô hình chợ, tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, một số loại tài sản kết cấu hạ tầng khác; 

Tiến độ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng còn chậm, mới có khoảng 50% bộ, ngành, địa phương ban hành đã ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản.

Nguyên nhân là do các bộ chuyên ngành như: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo nên các bộ, ngành, địa phương không có cơ sở để xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Đáng chú ý, một số bộ, ngành, địa phương chưa tích cực, chủ động trong việc triển khai thực hiện luật nên đến nay vẫn chưa ban hành kịp thời các văn bản phân cấp thẩm quyền, có thể dẫn đến sai thẩm quyền khi quyết định mua sắm, thuê, sử dụng, xử lý tài sản công, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân...

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, trong quá trình thực hiện cho thấy có một số vấn đề cần được tập trung trao đổi để hoàn thiện, cụ thể là: Việc phân cấp quản lý tài sản công cần được phân cấp mạnh hơn nữa, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền quyết định phương án xử lý sắp xếp xử lý tài sản công ở đơn vị, địa phương mình, có thể là quyết định hình thức bán đấu giá tài sản trên đất để lấy tiền thu vào ngân sách Nhà nước; 

Một số quy định trong các văn bản hướng dẫn, chủ yếu ở cấp Nghị định cần được nêu rõ hơn như đối tượng áp dụng, đặc biệt là việc sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất đối với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn của Nhà nước, doanh nghiệp có hình thức công ty mẹ, công ty con,…đều cần có hướng dẫn cụ thể…

Để tiếp tục triển khai luật hiệu quả, trong thời gian tới Bộ Tài chính đề nghị bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh khẩn trương ban hành quy định về tài sản có giá trị lớn để phân định thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý vào mục đích kinh doanh, cho thuê. 

Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi khẩn trương hoàn thành việc rà soát, phân loại, xác định giá trị tài sản hiện có để thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác theo quy định.

TQ