Đổi thay kinh tế hộ

Đến thăm trang trại chị Lê Thị Tâm ở thôn Tân Trang, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị mới thấy rõ sự đổi thay của một vùng đất vốn cằn cỗi, bạc màu trước đây nhờ có ý chí, bàn tay con người và đồng vốn ngân hàng (NH).

Sau khi xuất ngũ nghỉ hưu, năm 2011, chị Tâm quyết định mua 05 lô đất rừng diện tích 10 ha thuộc xã Cam Thành với mong muốn xây dựng nơi đây thành trang trại tổng hợp khép kín. Tháng 6/2011, chị lập hồ sơ thực hiện dự án xây dựng trang trại được Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện thẩm định, trình UBND huyện Cam Lộ phê duyệt. Tuy nhiên, khi bắt tay vào xây dựng trang trại, chị gặp vô vàn khó khăn, trong đó có khó khăn về tài chính.

Đúng thời điểm này, được sự quan tâm giới thiệu, hướng dẫn của Hội Nông dân huyện, chị Tâm đã được Agribank Chi nhánh huyện Cam Lộ (thuộc Agribank Quảng Trị) cho vay vốn tín chấp 1 tỷ 250 triệu đồng. Từ nguồn vốn này của Agribank, mọi “nút thắt” khó nhất đã dần được gỡ bỏ. Đến nay, trang trại tổng hợp của chị có 1.000 con lợn thịt; 30 lợn nái siêu nạc; nhân giống thêm 50 lợn nái rừng; 70 con chó lai; 2.000 con gà; 300 con ngan, vịt; 02 hồ thả cá các loại... Sau khi đã trừ chi phí, gia đình chị có lãi khoảng 300 triệu đồng/năm.

Tại Quảng Trị, còn rất nhiều mô hình như gia đình chị Lê Thị Tâm được Agribank đồng hành. Ông Hoàng Minh Thông - Giám đốc Agribank Quảng Trị cho biết, trong số dư nợ 4.831 tỷ đồng của Chi nhánh, có đến 3.728 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 77%/tổng dư nợ) đầu tư cho “tam nông” và hiện nay có 50.383 khách hàng là hộ sản xuất, kinh doanh và trên 1.073 doanh nghiệp đang có quan hệ vay vốn với Agribank Quảng Trị.

Còn tại Thừa Thiên - Huế, cùng với sự đồng hành của Agribank, nhiều mô hình kinh tế hộ được sự quan tâm của chính quyền địa phương và hỗ trợ kịp thời của đồng vốn NH cũng đã có điều kiện thuận lợi phát triển đi lên từ mô hình nhỏ lẻ, manh mún trước đây thành quy mô trang trại.

Đến xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền thuần nông có thể nhận thấy rất rõ điều này. Từ vốn vay 500 triệu đồng của Agribank Quảng Điền (thuộc Agribank Thừa Thiên - Huế), gia đình bác Phan Lai Đức hiện có cơ ngơi 1,2 ha ao cá, trang trại chăn nuôi 9.500 con gà, 200 con lợn.

Hay như hộ gia đình bác Hồ Sinh vay của Agribank 520 triệu đồng để phát triển trang trại tổng hợp gồm 4 ao cá trên diện tích 1.000 m2, đàn bò 17 con (9 con bò mẹ), 122 con lợn thịt, 1.000 con gà… đem lại nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống cho các thành viên trong gia đình và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

 

 

Khu chuồng trại nuôi lợn của hộ bác Phan Lai Đức vay vốn của Agribank Quảng Điền

Giám đốc Agribank Chi nhánh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Bình cho biết, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn hiện tại của Agribank Thừa Thiên - Huế đạt 3.207 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 70,1%/tổng dư nợ. Chi nhánh vẫn đang không ngừng mở rộng tăng trưởng tín dụng, tập trung cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp chế biến và doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…

 

Không chỉ ở Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, tại các địa phương khác của cả nước, nguồn vốn của Agribank thực sự là nền tảng vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế hộ phát triển đổi thay về chất và lượng. 

Tạo đà cho tăng trưởng
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức của hoạt động tín dụng năm 2014, Agribank vẫn vượt lên đạt con số ấn tượng trong cho vay hộ sản xuất và cá nhân khi đạt tốc độ tăng 13,4%, tương đương với tốc độ tăng trưởng dư nợ toàn ngành NH trong năm.

Trong những tháng đầu năm 2015, dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân của Agribank tiếp tục có sự tăng trưởng. Với mục đích đẩy mạnh hơn nữa tăng trưởng dư nợ hộ sản xuất và cá nhân, giúp loại hình kinh tế này phát huy vai trò chính trong việc tạo ra lượng hàng hóa lớn để phục vụ xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp… mới đây, Agribank có văn bản chỉ đạo các chi nhánh trong toàn hệ thống triển khai cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ; chú trọng cho vay đối với các chương trình, các gói tín dụng thuộc lĩnh vực ưu tiên, áp dụng lãi suất ưu đãi nhằm khuyến khích việc mở rộng tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, cho vay tái canh cà phê, cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg… Các chi nhánh nắm bắt kịp thời nhu cầu vay vốn của các hộ sản xuất, kịp thời tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng trong quá trình vay vốn.

Đồng thời, Agribank đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn như: Cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân; cho vay chứng minh tài chính; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất; kinh doanh quy mô nhỏ; cho vay về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, cho vay đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; cho vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; cho vay cầm cố giấy tờ có giá/thẻ tiết kiệm…

 

Đến 31/7/2015, Agribank có tổng nguồn vốn 742.473 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế 566.716 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 75,2%, tiếp tục là NH thương mại Nhà nước giữ vai trò chủ lực trong đầu tư cho “tam nông” và các chương trình trọng điểm của Đảng, Nhà nước, tiên phong trong triển khai tín dụng chính sách, dẫn đầu về cho vay xây dựng nông thôn mới, Nghị định 67…

Hàng triệu hộ sản xuất trên cả nước được hưởng lợi từ nguồn vốn vay Agribank. Hiện nay, Agribank đang quyết liệt triển khai Đề án Tái cơ cấu và theo như Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh, trong Đề án Tái cơ cấu, Agribank đang đề xuất Thống đốc NH Nhà nước cho triển khai mô hình “Điểm giao dịch” và “NH lưu động” để đưa vốn đến tay người nông dân được thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn.


 

Viết Chung