Tham gia tọa đàm có: Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM. TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế. TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính; ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cao cấp Cty Chứng khoán KIS Việt Nam; ông Lại Đức Dương, Trưởng Bộ phận Phân tích ngành BĐS, Cty Chứng khoán Rồng Việt.

 Điểm sáng tín dụng vào BĐS

TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính cho biết, nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng tốt thể hiện GDP năm 2018 tăng trưởng 7,08%, cao nhất 10 năm. 6 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng 6,4%, thấp hơn 2018 nhưng vẫn gần bằng mức cao nhất 10 năm.

Thị trường BĐS  là một trong những kênh kết nối với các ngành trong nền kinh tế, 6 tháng cuối năm 2018 thị trường có chậm lại, tình hình tương tự trong 6 tháng đầu năm 2019. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cho rằng, bức tranh thị trường BĐS không phải màu hồng, vì từ sau ngày 7/3/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành công văn chỉ đạo rà soát các dự án có sử dụng đất công trong phạm vi toàn quốc, nên thị trường BĐS đang đứng trước những thách thức và khó khăn rất lớn.

Tuy nhiên, về mặt quy luật, thị trường có độ trễ và trong thực tiễn 7 tháng đầu năm 2019 thể hiện rất rõ những khó khăn của thị trường BĐS. Tuy nhiên, khó khăn của thị trường này hiện nay chưa tác động đến cục diện nền kinh tế - tác động lan tỏa nhưng chưa đến mức độ nghiêm trọng.

TS Bùi Quang Tín cũng nhận định:  "Mặc dù tổng lượng giao dịch BĐS 6 tháng đầu năm giảm 34% nhưng giá không giảm, nên đợt khó khăn lần này của thị trường BĐS không giống như các đợt đi xuống trước đây. Chúng ta có nền tảng vĩ mô tốt là cơ hội phát triển của thị trường chứng khoán, BĐS và tăng trưởng cộng hưởng của các nhóm ngành".

Tình hình BĐS cuối năm, ông Lê Hoàng Châu vẫn đánh giá rất lạc quan: “Đối với TP.HCM chúng tôi tin rằng sẽ sáng sủa hơn 6 tháng đầu năm vì chúng tôi tin với sự vào cuộc của lãnh đạo thành phố cũng như có nhân tố để đột phá – dự án khu đông TP. HCM tạo điều kiện cho các bạn trẻ ở trong căn hộ cao cấp, quần thể đô thị hoàn chỉnh (dù giá cao nhưng diện tích phù hợp). Ở Khu Nam có dự án quy mô tương tự sẽ được triển khai tại Nhà Bè. Tuy nhiên, đây chỉ là “một vài điểm trong cả làng tối” trong khi thị trường BĐS không thể phát triển đơn độc”.

Về các chính sách hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Tín nhận định,  chính sách tiền tệ có 5 công cụ, trong đó có 3 công cụ NHNN hỗ trợ mạnh, chứ không siết chặt như chúng ta nghĩ. NHNN điều hành ổn định tỷ giá giúp bình ổn lãi suất, giữ mục tiêu lạm phát dưới 4%. Mức lạm phát mới công bố gần 2,7%. 

Ngoài ra công cụ về hạn mức cấp tín dụng, chỉ tiêu năm nay đề ra là 14%, nhưng mới đây Thống đốc NHNN cho biết sẽ nới room tín dụng, tín hiệu vốn chảy vào các ngóc nghách nền kinh tế cho thấy các định hướng sáng cho thị trường BĐS.

"Nếu nói chính sách siết dòng vốn vào BĐS là chưa đầy đủ, thực chết chỉ siết một số dự án, chủ đầu tư, không phải siết tất cả. Trong thời gian tới cuối năm dòng vốn sẽ tiếp tục chảy vào thị trường, từ 16-18%", ông Tín nói.

Dự báo cuối năm có nhiều điểm sáng trong đó có dòng vốn vào thị trường, đặc biệt là thị trường BĐS.

Phát hành trái phiếu thêm kênh dẫn vốn cho BĐS

Nêu quan điểm liên quan đến việc phát hành trái phiếu huy động vốn của doanh nghiệp BĐS thời gian vừa qua, TS. Bùi Quang Tín cho biết, chưa bao giờ thị trường tài chính lại có cơ hội để tạo ra nhiều kênh dẫn vốn cho nền kinh tế như hiện nay. Việc tiếp cận vốn ngân hàng khó đối với từng phân khúc, từng chủ đầu tư, nhưng điều này lại mở ra kênh tiếp cận vốn mới cho các doanh nghiệp.

Vì thị trường tài chính không chỉ có ngân hàng mà còn có thể huy động vốn từ thị trường chứng khoán, và các doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu, cổ phiếu. 

Hiện có tới 70-80% dòng vốn là ngắn hạn chảy vào ngân hàng, do đó cho vay trung dài hạn sẽ rủi ro đối với ngân hàng.

"Do đó, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể huy động vốn bằng phát hành trái phiếu, hay phát hành cổ phiếu, đây chính là “điểm tựa mới” cho doanh nghiệp BĐS làm sao có vốn trung, dài hạn chứ không chỉ là vốn ngắn hạn từ ngân hàng", ông Tín nói.

Bổ sung thêm ý kiến liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, TS. Đinh Thế Hiển, cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp là công cụ cho các doanh nghiệp quy mô lớn. Công cụ vốn dài hạn là trái phiếu các doanh nghiệp BĐS phải tính đến.

"Thực tế, trái phiếu không phải là sân chơi của nhà đầu tư cá nhân. Tại sao những năm 2014 – 2017 các doanh nghiệp BĐS không phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tại sao đến lúc khó khăn mới phát hành trái phiếu?", ông Hiển đặt vấn đề. 

TS Bùi Quang Tín nhận định, về dự báo thị trường BĐS 6 tháng cuối năm chúng ta đang có nền tảng vĩ mô tốt nên dự báo dòng vốn sẽ tiếp tục chảy vào BĐS.

"Mặc dù tổng lượng giao dịch BĐS 6 tháng đầu năm giảm 34% nhưng giá không giảm, nên đợt khó khăn lần này của thị trường BĐS không giống như các đợt đi xuống trước đây. Chúng ta có nền tảng vĩ mô tốt là cơ hội phát triển của thị trường chứng khoán, bất động sản và tăng trưởng cộng hưởng của các nhóm ngành", ông Tín nói. 

Ông Trương Hiền Phương cũng đưa ra nhận xét: “Tôi đặt nặng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng đến diễn biến của Vn-Index trong thời gian tới. Không chỉ Việt Nam mà cả toàn cầu đều đang chịu tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nếu cuộc chiến tranh Mỹ - Trung không dừng lại, tiếp tục leo thang sẽ dẫn đến chiến tranh tiền tệ. Và tôi cho rằng không một nền kinh tế nào có thể trụ lại với 2 cuộc chiến tranh liên tiếp như vậy”.

Dù vậy, với những tín hiệu thể hiện trong thời gian qua, tôi cho rằng thị trường chứng khoán thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng, Vn-Index sẽ tăng trưởng.

Nhận định về cổ phiếu BĐS  6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm 2019, ông Lại Đức Dương cho biết, giá cổ phiếu BĐS trên thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm 2019, khi chỉ số VN-Index tăng 6%, những cổ phiếu BĐS nhỏ “đánh bại” thị trường khi có mức tăng giá tốt, như NDN, NTL, còn cổ phiếu BĐS có vốn hoá lớn có VIC tăng mạnh.

Nghiêm Lan