Những quy định mới này được đánh giá giúp đẩy lùi vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế (NNT), doanh nghiệp (DN) cũng như cơ quan thuế trong quá trình hoàn thuế.

Giảm bớt gánh nặng cho DN

Một trong những điểm mới, tiến bộ nổi bật trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là bổ sung nội dung về hoàn thuế. Trong đó, quy định có 2 trường hợp được hoàn thuế là hoàn theo quy định của pháp luật về thuế và hoàn trả tiền nộp thừa đối với trường hợp NNT nộp thuế lớn hơn số phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN).

Trong quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế, dự thảo luật nêu rõ chi cục trưởng chi cục thuế được quyền ký quyết định hoàn trả số tiền mà NNT đã nộp thừa với các khoản mà chi cục quản lý thu. 

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng quy định cụ thể: Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cục trưởng cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định hoàn đối với trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cục trưởng cục hải quan, chi cục trưởng chi cục hải quan nơi phát sinh số tiền thuế được hoàn ban hành quyết định đối với trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Trao đổi với phóng viên, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, minh bạch, đơn giản và thuận tiện là những điểm nổi bật khi cơ quan thuế áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoàn thuế, giúp các DN kịp thời quay nhanh dòng vốn để sản xuất, kinh doanh. 

“DN nhanh chóng được nhận lại số tiền hoàn thuế có thể tái đầu tư cho sản xuất kinh doanh và kéo theo đó, ngành Thuế cũng tăng thêm được nguồn thu và thị trường nước ta được tăng thêm nguồn lực mới, thêm nhà đầu tư mới”, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội phân tích thêm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng việc áp dụng hoàn thuế theo nguyên tắc quản lý rủi ro sẽ tránh được sự tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan hoàn thuế và NNT, qua đó ngăn ngừa phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện hoàn thuế.

“Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoàn thuế cho DN là một phương pháp văn minh và tiến bộ, tạo ra hiệu ứng tốt để thúc đẩy DN thực hiện tốt nghĩa vụ, tránh tình trạng có một số DN làm ăn nghiêm túc, có lịch sử nộp thuế, lịch sử tuân thủ pháp luật tốt nhưng vẫn phải chịu gánh nặng thủ tục hành chính như những DN khác”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá.

Ngành Thuế đã có đủ cơ chế để kiểm soát hoàn thuế

Thêm vào đó, tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) còn quy định các DN sẽ biết thời gian hoàn thuế, đối tượng được hoàn... Đặc biệt, đối với đối tượng nộp thừa, nếu không quyết toán cũng không bị phạt chậm nộp như trước đây. 

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, trước đây nhiều DN không biết cơ quan thuế tính toán như thế nào, thời hạn nộp thuế ra sao, nhưng với quy định mới, trong quá trình từ khi chuyển hồ sơ lên cho đến khi có kết quả, NNT được quyền trao đổi và nắm bắt các nội dung căn cứ ấn định thuế hoàn thuế, yêu cầu giải đáp các thắc mắc. Ngoài ra, đối với những trường hợp nộp thừa mà chưa quyết toán trong vòng 120 ngày, thậm chí cả năm họ chưa quyết toán, chưa hoàn thì vẫn không bị phạt. 

“Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định rất rõ các trường hợp DN có được hay không được hoàn thuế, thời gian hoàn thuế… thông qua đó tạo điều kiện cho NNT hiểu hơn về chính sách thuế”, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn Tài chính và Kế toán FAC cho biết.

Đặc biệt, cũng theo các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng nguyên tắc rủi ro trong hoàn thuế còn giúp cơ quan thuế kiểm soát được vấn đề gian lận thuế, từ đó tăng nguồn thu cho NSNN. 

PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và  Hải quan, Học viện Tài chính chia sẻ: “Quá trình hoàn thuế đòi hỏi hai yêu cầu có tính chất trái chiều nhau, một là phải tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh chóng cho NNT, DN để họ không bị ứ đọng vốn; hai là phải quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa gian lận thuế. Thực tế cho thấy, làm chặt chẽ để ngăn ngừa gian lận thuế thì cần nhiều thời gian hơn, nếu giải quyết nhanh cho NNT mà không kiểm soát được thì có thể gây thất thoát NSNN. Phương pháp quản lý rủi ro trong hoàn thuế chính là chìa khóa để giải quyết hai yêu cầu trên một cách hài hòa”. 

Một trong những điểm mới được đánh giá cao là quy định thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Trước đây, chúng ta đã áp dụng phương pháp quản lý rủi ro đối với những trường hợp thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế thông thường, đến quy định mới này sẽ áp dụng đối với trường hợp thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế. Tức là, việc thanh tra, kiểm tra sau hoàn sẽ chỉ thực hiện đối với các trường hợp có rủi ro về thuế.

Nhiều chuyên gia đánh giá, những quy định mới này cho thấy ngành Thuế nước ta đã có đủ cơ chế để kiểm soát chặt chẽ đối với các trường hợp hoàn thuế và sẽ tạo mọi điều kiện giúp cho NNT, DN hoàn thuế, hậu kiểm và thanh kiểm tra đúng quy định, không gây phiền hà cho DN và NNT.

Tố Uyên