Nguy cơ lạm phát quay trở lại

Theo TS Nguyễn Đức Thành (chủ biên báo cáo), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nền tảng thực sự của nền kinh tế còn yếu. Trong năm 2016, lạm phát trở lại là nguy cơ đáng chú ý nhất sau thời gian khá dài duy trì ổn định ở mức thấp.

Giá dịch vụ y tế, giáo dục sẽ được điều chỉnh tăng đáng kể trong năm 2016, cùng với xu thế đi lên của giá hàng hóa thế giới và tổng cầu tăng lên khi nền kinh tế phục hồi sẽ gây áp lực đáng kể lên mặt bằng giá.

Quý đầu tiên của năm 2016 đã chứng kiến tốc độ gia tăng xấp xỉ 1 điểm phần trăm của chỉ số CPI. Theo thông tư của Bộ Y tế - Tài chính, lần điều chỉnh tiếp theo chỉ diễn ra vào đầu quý 3/2016.

Dù vậy, quá trình tăng học phí ở một số tỉnh có thể diễn ra, cùng với sự phục hồi của giá xăng dầu, sẽ tạo áp lực không nhỏ lên lạm phát ngay trong quý 2.

Sau khi phân tích yếu tố tích cực, tiêu cực, nhóm chuyên gia đưa ra dự báo tốc độ lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở quanh mức 5%. Trong kịch bản thận trọng, lạm phát vào khoảng 4,2%.

Do mặt bằng giá trong năm nay có thể sẽ có những diễn biến phức tạp đến từ nhiều yếu tố ngoại sinh như thị trường thế giới, biến đổi khí hậu, gây xáo trộn về thị trường lương thực và nội sinh như khả năng kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước, biến động của tổng cầu, không loại trừ việc lạm phát 2016 sẽ vượt qua mức mục tiêu 5% của Chính phủ.

Nhiều thuận lợi tăng trưởng vẫn có thể dưới 6,5%

Thị trường ngoại hối vẫn có thể tiềm ẩn những yếu tố rủi ro ngoại sinh, nhất là nguy cơ khủng hoảng phát sinh từ các thị trường mới nổi.

“Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá sẽ không chứng kiến những cú sốc lớn như trong năm 2015, và biến động khoảng 3 - 4% trong năm 2016”, TS Thành nói.

Đáng chú ý, nhóm chuyên gia đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 sẽ ở mức 6% cho kịch bản thấp, và dưới 6,5% ngay cả trong trường hợp có nhiều thuận lợi.

“Mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2016 do Quốc hội đề ra nhiều khả năng không thể đạt được”, báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam nhận định.

Trong trường hợp có những nỗ lực cải cách đột phá của Chính phủ mới, mang lại hiệu ứng kích thích mạnh mẽ tâm lý người tiêu dùng và tạo niềm tin cho nhà đầu tư (cả trong khu vực tư nhân lẫn nước ngoài) thì tăng trưởng mới có thể đạt trên 6,5% và hướng tới mục tiêu của Quốc hội.

“Chúng tôi vẫn đánh giá trong năm 206, khả năng này là thấp”, TS Thành chốt lại nghiên cứu.

Giữ kỷ luật tài khóa

Phản biện báo cáo, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu thấp, tăng trường mức 6,5% thì đó là một “điểm sáng” của Việt Nam thời gian qua.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thảo Nguyên

Ông Thành cũng bày tỏ những khả quan, trong trung dài hạn vẫn còn những dư địa để đạt được được những mục tiêu đề ra khi khi phân tích chất lượng nguồn nhân lực, chính sách, quan trọng là cần giữ kỷ luật tài chính, nhất là tài chính công.

Trong khi đó, TS Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứ và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra cảnh báo, những thuận lợi của năm 2015, sang năm 2016 không còn thuận lợi nữa. Điều này sẽ tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Với những kịch bản được dự báo, trên cơ sở thực tế, các chuyên gia lưu ý, cần quay trở lại ưu tiên cao nhất cho các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng kinh tế đã hồi phục.

Trong ngắn hạn, Chính phủ cần có quyết tâm cao nhất để giữ kỷ luật tài khóa, giảm chi ngân sách trong bối cảnh các nguồn thu ngân sách chủ yếu đang suy giảm.

Đẩy nhanh tiến độ thị trường hóa giá các loại hàng hóa, dịch vụ công như y tế, giáo dục và các mặt hàng thiết yếu như điện, nước…. chấm dứt sử dụng các biện pháp kiểm soát giá mang tính hành chính, dẫn tới méo mó thị trường, gia tăng thâm hụt ngân sách cũng như giảm hiệu quả điều hành của các công cụ vĩ mô truyền thống là chính sách tiền tệ, tài khóa.

“Điều này dù gây khó khăn cho kiểm soát lạm phát trong ngắn hạn nhưng tạo tiền đề quan trọng ổn định chính sách trong dài hạn”, các chuyên gia lưu ý.

Cùng với đó, kiểm soát tăng trưởng, chất lượng tín dụng, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài dẫn tới hình thành bong bóng tài sản; sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn…

Về trung dài hạn, cần hướng tới nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế như tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ các rào cản; cũng cố khả năng tạo tập chính sách, phát triển chiến lược cơ sở hạ tầng.

Thảo Nguyên