Theo báo cáo của Đoàn Giám sát, giai đoạn 2013 - 2018, nước ta có 28 quỹ do Trung ương quản lý và hơn 40 quỹ do địa phương quản lý. Báo cáo của Chính phủ nêu, với các quỹ do Trung ương quản lý, kế hoạch năm 2019, tổng thu là 502,2 nghìn tỷ đồng, trong đó dự kiến ngân sách nhà nước cấp và hỗ trợ là 100,8 nghìn tỷ đồng. Kết dư các quỹ cuối năm 2019 khoảng 907,2 nghìn tỷ đồng.

Còn tổng số dư các quỹ tài chính Nhà nước của địa phương hàng năm từ 2013 đến 2018 tương ứng là 8.074 tỷ đồng; 9.862 tỷ đồng, 13.569 tỷ đồng; 14.880 tỷ đồng, 17.198 tỷ đồng, 18.268 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là của 5 quỹ có quy mô lớn là Quỹ phát triển đất, Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.

Tại phiên họp các đại biểu đánh giá, giai đoạn vừa qua, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đã tập trung được nguồn lực to lớn, đáp ứng một phần nhu cầu của đất nước trong việc giải quyết các nhiệm vụ cấp bách đặt ra. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. 

Đó là, nguồn thu của một số quỹ còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước hoặc có nguồn thu trùng với nguồn thu của ngân sách nhà nước, trong khi các nguồn thu khác không đáng kể, trái với quy định tại Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; tỷ lệ thu chưa hợp lý ở một số quỹ. Ngoài ra, chi phí quản lý chưa phù hợp so với hoạt động của quỹ, có quá nhiều quỹ tại địa phương làm phát sinh nhiều chi phí quản lý và tổ chức biên chế…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Quang lưu ý, tại địa phương rất nhiều quỹ hoạt động không hiệu quả. Theo ông, Chính phủ cần kiên quyết thực hiện cơ cấu lại, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra hoặc không còn phù hợp.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị Chính phủ tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước. Các địa phương thực hiện tổng kết, đánh giá lại hoạt động của các quỹ do địa phương quản lý, từ đó đưa ra phương hướng cơ cấu, sắp xếp lại cho phù hợp.

H.G