Chiều ngày 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). So với Luật hiện hành, Dự thảo Luật sửa đổi 98 Điều, bổ sung 29 Điều, bãi bỏ 30 Điều và giữ nguyên 8 Điều.

Tăng tính răn đe

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, hiện nay mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán là 2 tỷ đồng đối với tổ chức, 1 tỷ đồng đối với cá nhân.

Tuy nhiên, để tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, Dự thảo Luật quy định nâng mức phạt tiền tối đa trong xử phạt hành chính lên 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

“Mức phạt này cũng đã được xem xét tính đến biến động trượt giá theo tỷ lệ lạm phát bình quân trong 10 năm tới (5%/năm x 10 năm)”, tờ trình của Chính phủ nêu.

Bên cạnh bị xử phạt, Dự thảo Luật bổ sung quy định, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân xử lý 1 hoặc một số biện pháp như đình chỉ hoạt động, đình chỉ giao dịch có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; cấm chào bán chứng khoán ra công chúng để huy động vốn có thời hạn; cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn…

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, tính chất, mức độ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng và tài chính nói chung ngày càng phức tạp, tinh vi, có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của thị trường chứng khoán, đòi hỏi cần có cơ quan chuyên môn có thẩm quyền đủ mạnh để áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời, chế tài và mức xử phạt phải phù hợp với tính chất và mức độ vi phạm.

“Việc nâng mức phạt tiền tối đa về xử phạt hành chính là cần thiết”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết quan điểm.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị, cân nhắc quy định mức xử phạt tối đa dựa trên số tiền gây thiệt hại hoặc quy định các hình phạt bổ sung trên cơ sở rà soát tổng thể quy định của pháp luật hiện hành liên quan.

Cùng với đó, rà soát thêm để tách riêng các biện pháp xử lý như biện pháp cấm tham gia thị trường, cấm huy động vốn, cấm đảm nhiệm chức vụ... với các hình thức xử lý đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính để làm rõ, tách bạch các biện pháp mang tính đảm bảo an ninh, an toàn thị trường, phòng ngừa rủi ro với biện pháp xử lý vi phạm.

Nâng mức xử phạt có cân đối với xử hình sự

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi: Có mâu thuẫn với Bộ Luật Hình sự không? Theo ví dụ Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đưa ra thì tại Điều 209 “tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” quy định mức xử phạt hình sự là từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

“Chúng ta sửa đổi quy định về xử phạt nâng lên hàng tỷ đồng trở lên thì có dẫn đến việc mức xử hình sự có nhẹ hơn hành chính không?”, bà Nga nêu.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng. Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, trong quá trình xây dựng Dự án Luật, Ban Soạn thảo đã rà soát về mức phạt hành chính và hình sự để bảo đảm sự phù hợp.

Theo ông Dũng, việc nâng mức xử phạt như Dự thảo là tương đối phù hợp và có cân đối với Bộ Luật Hình sự.

“Nhưng mức phạt tối đa 3 tỷ đối với tổ chức và 1,5 tỷ đối với cá nhân thì cũng chưa đủ sức răn đe. Vì thế, trong Dự thảo Luật này, Ban Soạn thảo có đưa vào các hình phạt bổ sung, trong đó có hình phạt tịch thu khoản thu lợi bất chính”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin, xác định khoản thu lời bất chính là việc làm “tương đối khó” nhưng Ban Soạn thảo vẫn mạnh dạn đưa vào để sau này sẽ trình cách tính toán và cách xử phạt.

“Theo thông lệ của các nước, khi họ phát hiện ra các hành vi vi phạm hành chính và xác định được khoản thu lời bất chính thì thường các nước tăng mức hình phạt là thu gấp 2- 3 lần”, ông Dũng cho biết thêm.

Một điểm đáng chú ý nữa, theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Dự thảo Luật bổ sung một số quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi thanh tra, kiểm tra.

Ủy ban này có quyền như yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm.

H.Giang