Luật BHYT quy định “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khoẻ, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện”.

BHXH Việt Nam cho hay, đến hết tháng 6/2019, toàn quốc có 84,7 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,3% dân số. Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT, ngoài nỗ lực của ngành BHXH rất cần sự phối hợp, chung tay của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Khắc phục tình trạng chênh lệch bất hợp lý về giá thuốc

Ở lĩnh vực quản lý giá thuốc, Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội nêu rõ: “Trước năm 2018, hoàn thiện việc quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả phù hợp với mức đóng và điều kiện kinh tế - xã hội, thực hiện các biện pháp để bảo đảm thuốc chữa bệnh có chất lượng và giá phù hợp, khắc phục tình trạng chênh lệch bất hợp lý về giá thuốc giữa các địa phương, triển khai mở rộng mô hình bác sỹ gia đình tham gia khám, chữa bệnh BHYT, cải tiến quy định về chuyển tuyến phù hợp với tình trạng bệnh tật”.

Thực hiện nhiệm vụ này, những năm qua, ngành BHXH đã có vai trò tích cực khi góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách về đấu thầu thuốc. Từ đó đã giúp cho công tác đấu thầu, mua sắm, sử dụng thuốc chữa bệnh có chất lượng và giá phù hợp, khắc phục tình trạng chênh lệch bất hợp lý về giá thuốc giữa các địa phương đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 68/2013/QH13.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, việc đấu thầu thuốc đã tiết giảm chi phí tiền thuốc trúng thầu khoảng 35,5% so với trước đây. Như năm 2018, đấu thầu tập trung cấp quốc gia 39 thuốc biệt dược gốc, giảm được 745 tỷ đồng (10%) so với giá trúng thấu năm 2017. Hay năm 2019, đấu thầu tập trung cấp quốc gia 6 gói thầu thuốc Generic, 283 mặt hàng thuốc, tiết kiệm được 1.550 tỷ đồng (40,14%) so với giá trúng thầu trung bình năm 2017-2018 theo số liệu dự kiến sử dụng 2019-2020…

Trong quá trình đấu thầu thuốc, BHXH Việt Nam đã tham gia tích cực, hiệu quả. Tính đến cuối năm 2018, ngành BHXH đã cử trên 600 cán bộ đủ điều kiện tham gia vào 350 hội đồng đấu thầu thuốc tại các Sở Y tế, cơ sở y tế trong cả nước. 

Cùng với đó, cung cấp đầy đủ các dữ liệu về giá thuốc, nhu cầu sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh. Vì vậy, việc xây dựng nhu cầu, giá kế hoạch sát với thực tế, phù hợp với nhu cầu điều trị và khả năng chi trả của quỹ BHYT.

Thí điểm đấu thầu thuốc lĩnh vực BHYT bước đầu hiệu quả

Ngành BHXH đã thực hiện công khai giá thuốc trúng thầu trung bình hằng năm trên Cổng thông tin điện tử để các địa phương có thêm nguồn thông tin tham khảo xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu hợp lý hơn; làm căn cứ để các địa phương thương thảo giảm giá sau khi có kết quả đấu thầu. 

BHXH Việt Nam cũng tích cực tham gia xây dựng danh mục thuốc tân dược, thuốc y học cổ truyền được quỹ BHYT chi trả. Danh mục bao gồm các thuốc cần thiết cho việc điều trị, quy định tỷ lệ được quỹ BHYT chi trả đối với một số loại thuốc có chi phí lớn.

Cơ quan này còn thực hiện phân tích, phát hiện đề xuất với Bộ Y tế xử lý đối với các thuốc có hàm lượng, dạng đóng gói, dạng bào chế không cạnh tranh, giá cao bất hợp lý để hướng dẫn các địa phương không đưa vào kế hoạch đấu thầu năm 2018-2019. Từ đó, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương không đưa các thuốc này vào kế hoạch đấu thầu, qua đó đã tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng cho quỹ BHYT.

Đặc biệt, từ năm 2017, BHXH Việt Nam được giao thí điểm triển khai đấu thầu tập trung thuốc thuộc lĩnh vực BHYT (không trùng với danh mục thuốc do Bộ Y tế thực hiện) theo Nghị quyết số 59/NQ-CP của Chính phủ.

Kết quả, tại thí điểm lần 1, mua sắm thuốc sử dụng cho năm 2018, có kết quả từ ngày 01/01/2018: Tổng giá trị trúng thầu của 5 hoạt chất là 946,8 tỷ đồng giảm 11,0% so với giá kế hoạch (tương ứng với giá trị giảm là 117 tỷ đồng), giảm 21,1% so với giá trúng thầu bình quân năm 2017 (tương ứng với giá trị giảm là 252,92 tỷ đồng).

Thí điểm lần 2, mua sắm thuốc sử dụng cho năm 2019-2020, có kết quả từ ngày 01/01/2019: gồm 26 thuốc (14 hoạt chất). Tổng giá trị các mặt hàng đã lựa chọn được là 10.079,72 tỷ đồng, giảm 22,4% so với giá trị trúng thầu bình quân năm 2018 tại các địa phương (tương ứng 2.903,95 tỷ đồng).

Ngoài ra, BHXH Việt Nam còn tăng cường kiểm tra việc đấu thầu, quản lý thanh toán thuốc trong khám chữa bệnh BHYT để kịp thời chấn chỉnh việc mua sắm, sử dụng thuốc đảm bảo hiệu quả, đúng quy định và tiết kiệm.

Khánh Vân