Dự kiến trong tháng 9 tới, Thừa Thiên Huế sẽ sớm hoàn thành các khu tái định cư và thực hiện di dời 523 hộ dân đầu tiên ra khỏi các di tích trong Kinh thành Huế. 

Thi công 2 khu tái định cư trên 116 tỷ đồng:

Theo ông Hoàng Thiện - Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Dự án (DA) đầu tư xây dựng khu vực TP Huế, UBND tỉnh đã phê duyệt đầu tư 2 khu dân cư ở phường Hương Sơ (TP Huế), với tổng mức đầu tư trên 116 tỷ đồng liên quan đến DA di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế - giai đoạn 1.

Trong đó, DA đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Hương Sơ - khu vực I, có tổng mức đầu tư 51 tỷ đồng, với tổng diện tích xây dựng gần 5 ha, được phân thành 216 lô, mỗi lô có diện tích từ 100 - 200m2. Đến nay, tiến độ DA đã hoàn thành hơn 60% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 9/2019 để đáp ứng theo yêu cầu bố trí tái định cư.

Đồng thời, DA đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ - khu vực II, với diện tích xây dựng gần 5 ha, được phân ra thành 275 lô, mỗi lô có diện tích từ 60 - 150m2, tổng mức đầu tư hơn 65 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành cuối tháng 11/2019.

Tính đến cuối tháng 7, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế đã nhận được 228/254 hồ sơ nhà, đất (đạt 89,8%), tổng hợp chuyển Phòng Tài nguyên và Môi trường TP thẩm định điều kiện bồi thường về đất và Phòng đang tiến hành rà soát hồ sơ, phối hợp với UBND các phường làm việc liên quan đến nội dung xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng nhà, đất để thực hiện thẩm định điều kiện bồi thường theo quy định.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa trực tiếp kiểm tra tiến độ DA hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phía Bắc Hương Sơ, đã yêu cầu UBND TP Huế, BQL DA đầu tư xây dựng khu vực TP Huế tổ chức giám sát chặt chẽ tiến độ đầu tư khu tái định cư giai đoạn 1 và 2; có giải pháp tổ chức thi công phù hợp đảm bảo tiến độ đã đề ra. Tăng cường quản lý chất lượng xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo khu dân cư đồng bộ hạ tầng thiết yếu, chất lượng, mỹ quan và cảnh quan môi trường...

“Việc di dời dân cư khu vực di tích Kinh thành Huế được coi là cuộc di dân mang tính lịch sử, vì vậy công tác đưa người dân về nơi ở mới phải thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân. Trong đợt một giải phóng mặt bằng, di dời dân cư khu vực di tích Kinh thành Huế phải làm thật tốt, tạo được niềm tin trong nhân dân, tạo tiền đề tốt cho các đợt tiếp theo...”- ông Thọ yêu cầu.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ kiểm tra tiến độ thi công các dự án tái định cư. Ảnh: NP

 

Không để phát sinh khiếu nại

Theo UBND TP Huế, đến nay tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng của DA cơ bản đảm bảo theo kế hoạch của tỉnh. Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế đã phối hợp với các phường liên quan hoàn thành công tác kiểm kê, kê khai nguồn gốc sử dụng đất đối với các hộ có đất bị thu hồi và toàn bộ tài sản của các hộ bị ảnh hưởng; đã hoàn thành công tác áp giá bồi thường, hỗ trợ về tài sản cho các hộ.

Tính đến giữa tháng 7/2019, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế đã nhận được 228/254 hồ sơ (đạt 89,8%), tổng hợp chuyển Phòng TN&MT thẩm định điều kiện bồi thường về đất 228 hồ sơ. Hiện nay, Phòng TN&MT đang tiến hành rà soát hồ sơ, phối hợp với UBND các phường làm việc liên quan đến nội dung xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng nhà, đất để thực hiện thẩm định điều kiện bồi thường về đất theo quy định.

Trong năm nay, tỉnh sẽ tập trung giải tỏa khu vực Thượng Thành với 523 hộ, trong đó có 265 hộ chính và 258 hộ phụ và 270 hộ có đất nông nghiệp. Hầu hết các hộ đều tán thành khung chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản gắn liền với đất và bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để người dân sau khi di dời đến nơi ở mới sẽ có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.

Còn Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, trong quá trình giải quyết hỗ trợ, bồi thường, tái định cư cho các hộ dân, chính quyền địa phương sẽ vận dụng tối đa khung chính sách cho bà con, đảm bảo nhanh, gọn, chính xác và công bằng; không để phát sinh khiếu kiện.

Ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, việc di dời dân cư ra khỏi Quần thể di tích Cố đô Huế là mong muốn từ lâu của tỉnh cũng như người dân trực tiếp sinh sống ở đây. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về tài chính và các vấn đề liên quan khác nên một thời gian dài vẫn chưa thể thực hiện. Hiện, Chính phủ mới chỉ hỗ trợ 100 tỷ đồng cho việc thực hiện đề án năm 2019 và tỉnh phải huy động các nguồn khác. Vì thế, để DA được triển khai đúng theo tiến độ, đòi hỏi các cấp chính quyền phải có quyết tâm cao, tập trung lắng nghe những vướng mắc, kiến nghị của bà con để kịp thời giải quyết, không để kiến nghị trở thành khiếu nại...

Ngọc Phó - Quốc Toàn