Lòng vòng

Theo quy định của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thì các đơn vị dự thi phải gửi hồ sơ thiết kế, kèm theo bảng báo giá thiết kế cơ sở để Ban Tổ chức có căn cứ so sánh, chọn lựa nhằm chọn ra phương án phù hợp nhất. Đây cũng là cơ sở quan trọng để ACV sử dụng trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) cho nhà ga hành khách Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Lý do là ACV đã tiến hành xây dựng dự toán đối với phần việc lập FS cho nhà ga hành khách, sau đó dự toán đã được Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) có văn bản thẩm tra với giá trị là 4,52 triệu USD.

Điều đáng lưu ý là tổng chi phí tư vấn thiết kế cơ sở phương án LT-03, hình hoa sen sau 3 lần đề xuất là 6,5 triệu USD (giá trị sau thuế), cao hơn 1,44 lần so với giá trị dự toán được thẩm tra. Trong khi đó phương án LT-04, sử dụng vật liệu thân cây tre tổng chi phí tư vấn đề xuất là 3,88 triệu USD (giá trị sau thuế), bằng 0,86 lần giá trị dự toán được thẩm tra. Phương án LT-07, với mô hình lá dừa nước đề xuất chi phí tư vấn là 3,64 triệu USD (giá trị sau thuế), bằng 0,8 lần so với giá trị dự toán được thẩm tra.

Sau khi thông tin về chi phí tư vấn thiết kế của 3 phương án được công bố thì bất ngờ đơn vị tư vấn phương án LT-03 đã có văn bản đơn phương tự đề xuất lại chi phí thiết kế cơ sở nhà ga hành khách lần 4, với mức giá 3,61 triệu USD. 

Theo Luật Đấu thầu và quy định chấm thi thì ACV phải từ chối yêu cầu đơn phương thiếu căn cứ này, nhưng ngược lại, ACV lại yêu cầu các đơn vị dự thi đề xuất lại chi phí tư vấn thiết kế. Tuy nhiên kết quả đấu thầu lại lần thứ 2, thì phương án LT-03 vẫn là 3,4 triệu USD, phương án LT-04 là 3,61 triệu USD và phương án LT-07 có đề xuất là 2,99 triệu USD.

Kết quả này đã chứng minh rằng chỉ những đơn vị làm thật, có phương án thiết kế phù hợp thì mới đáp ứng được các quy định của Ban Tổ chức. 

Cần làm đúng pháp luật

Liên quan đến dự án sân bay quốc tế Long Thành, cuối tháng 11/2017, đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu ACV xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai các bước đi cụ thể, trong đó làm rõ mốc thời gian và kế hoạch thực hiện. 

Quan điểm của tư lệnh ngành Giao thông Vận tải là phải đấu thầu để đảm bảo tối đa công khai, minh bạch tại dự án sân bay quốc tế Long Thành.

Hay nói khác hơn, sau nhiều chuyện không hay của ngành thì Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã khẳng định đấu thầu để công khai, minh bạch nâng cao hiệu quả công trình, đặc biệt đối với các dự án sử dụng vốn từ ngân sách thì càng phải tuyệt đối chấp hành Luật Đấu thầu. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sử dụng hiệu quả tiền đóng góp của nhân dân, củng cố niềm tin của người dân và bạn bè quốc tế.... Vì rằng những giá trị lớn lao đó phải vượt trên tất cả mọi cái “tôi” của cá nhân, tổ chức trong quá trình đấu thầu công khai, kể cả việc chấm thầu phương án thiết kế sân bay quốc tế Long Thành.

Theo thông tin của Bộ Giao thông Vận tải thì các đơn vị chuyên môn của bộ đã và đang phối hợp cùng nhiều bộ, ngành, UBND tỉnh Đồng Nai để bảo đảm tiến độ dự án sân bay quốc tế Long Thành. Lý do đây là dự án trọng điểm, được xây dựng với công suất thiết kế 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng mức đầu tư khái toán là 336.600 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD), trong đó, riêng giai đoạn 1 là 114.450 tỉ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).

Mục tiêu của Bộ Giao thông Vận tải là sẽ khởi công dự án sân bay quốc tế Long Thành vào năm 2019, hoàn thành vào năm 2022, và đầu năm 2023 đưa vào khai thác giai đoạn 1. Thế nhưng những trục trặc, trúc trắc, thậm chí có dấu hiệu không minh bạch của việc chấm thầu kết quả thi thiết kế nhà ga sân bay quốc tế Long Thành đang làm dư luận lo ngại về tiến độ của dự án trọng điểm này. Vì rằng đến thời điểm này phương án tốt nhất vẫn chưa được các cơ quan chuyên môn chọn lựa một cách công tâm, khách quan, dù theo các văn bản của Bộ Giao thông Vận tải, của ACV thì cuộc thi đã tốn nhiều công phu, tốn kém nhiều chi phí, qua nhiều vòng chấm thầu.

Ngọc Giang