Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân; tạo điều kiện để các cơ quan Nhà nước, nhà đầu tư, các đối tác trong việc cung cấp thông tin cho báo chí về các dự án hạ tầng giao thông, giúp báo chí thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ phản ánh kịp thời những thành tựu, cũng như những bất cập trong thực tiễn; từ đó cơ quan quản lý Nhà nước có căn cứ điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp.

“Trong công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực hạ tầng giao thông, báo chí có vai trò quan trọng, vừa tuyên truyền, phổ biến, phản ánh thực tiễn sinh động, vừa giám sát và phản biện chủ trương, chính sách, vừa là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội”, ông Hồ Quang Lợi khẳng định.

Mặc dù vậy, theo ông Hồ Quang Lợi, bên cạnh những kết quả tích cực, thời gian qua, báo chí cũng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, hạn chế trong công tác “tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá thành tựu phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam, tác động kích hoạt thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội từ khi thực hiện chủ trương hợp tác công - tư (PPP); đánh giá công tác đầu tư, đấu thầu, quản lý vốn các công trình dự án hạ tầng giao thông trong thời gian qua; những chủ trương, chính sách đúng, những rào cản, bất cập, chồng chéo trong các văn bản pháp luật trong công tác quản lý điều hành về xây dựng, khai thác các công trình, dự án hạ tầng giao thông; thực trạng năng lực các nhà đầu tư trong nước, so sánh với các nhà đầu tư nước ngoài, những vấn đề cần đặc biệt lưu ý khi các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các công trình dự án giao thông trọng điểm của Việt Nam; đánh giá thực trạng báo chí truyền thông trong thời gian qua về lĩnh vực hạ tầng giao thông…

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, các dự án PPP triển khai trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều vướng mắc về thể chế, chính sách, chủ yếu là công tác lựa chọn nhà đầu tư, quy định về quản lý sử dụng vốn đầu tư, chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa nhà nước và các nhà đầu tư còn xung đột mà chưa có chế tài khắc phục.

Bên cạnh đó, còn có các vướng mắc về vay vốn tín dụng và đặc biệt là bất cập của các trạm thu phí đặt ngoài phạm vi dự án, giá của dịch vụ đã gây ra nhiều xung đột dẫn đến những đánh giá chưa thực sự khách quan về các loại dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đã hoàn thành.

Đại diện Kiểm toán Nhà nước nhận định, muốn dự án đầu tư BOT có hiệu quả thì phải xây mới và không phải là đường độc đạo để người dân có quyền lưu thông. Trong khi đó, hiện nay các dự án BOT được chọn hầu hết nằm trên trục đường quốc lộ độc đạo nên các phương tiện giao thông không có quyền lựa chọn, dự án trở thành độc quyền nên nhà đầu tư sẽ tìm mọi cách để thu lợi nhuận.

Trong khi đó, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội cũng cho rằng, hiện nay rủi ro đối với các dự án BOT rất nhiều nhưng việc chia sẻ rủi ro lại rất ít. 

Theo ông Lưu Bình Những, cần phải minh bạch trong các vấn đề về BOT, đảm bảo không chỉ lợi ích vật chất mà còn là lợi ích tinh thần cho cả phía Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Giải pháp tiếp tục kêu gọi tư nhân đầu tư thông qua hình thức PPP là tất yếu, không chỉ đầu tư đường bộ mà còn phải đầu tư cả đường biển, đường sông và đường sắt.

Phương Anh