Liên quan đến khoản lỗ hơn 4.000 tỷ đồng của hãng hàng không Jetstar Pacific, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, không phải Vietnam Airlines sinh ra Jetstar Pacific để lỗ như thế.

Theo Thứ trưởng Nhật, tháng 2/2012, Chính phủ đã giao Vietnam Airlines tiếp nhận nguyên trạng phần vốn Nhà nước tại Jetstar, khi đó do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) làm đại diện vốn chủ sở hữu.

“Trước khi chuyển sang Vietnam Airlines, Jetstar đã lỗ 3.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines xây dựng cho Jetstar Pacific đến 2020 cố gắng giảm lỗ và không lỗ. Trách nhiệm của cá nhân đối với việc lỗ này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đề nghị Vietnam Airlines báo cáo rõ hơn,” Thứ trưởng Nhật nói.

Thứ trưởng Nhật cho biết theo dõi báo cáo kiểm toán hàng năm trong giai đoạn 2017-2018, Jetstar đã giảm lỗ rất nhiều và đang cố gắng đến 2020 không lỗ.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Tư vào chiều tối qua (ngày 4/5), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Jetstar Pacific là liên doanh phía Australia chiếm 30%, Việt Nam là 70%, trong đó SCIC bàn giao cho Vietnam Airlines từ năm 2012.

Theo ông Dũng, thời điểm bàn giao, Jetstar Pacific lỗ ròng 2.400 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 600 tỷ đồng. Năm 2014, Jetstar lãi 8 tỷ đồng và năm 2015 là 112 tỷ đồng. Năm 2016, Jetstar Pacific lỗ 901 tỷ đồng, năm 2017 lỗ hơn 304 tỷ đồng và năm 2018 lãi 34 tỷ đồng. Như vậy, tổng lỗ 2.400 tỷ đồng cộng với 1.300 tỷ đồng lỗ giai đoạn 2016-2017 đến nay thành lỗ 4.100 tỷ đồng.

"Tôi được biết vào năm 2016 lỗ 901 tỷ đồng do thị trường liên quan đến khách du lịch. Lúc đó, nước ta lại ảnh hưởng của Formosa 2014 và một loạt các vấn đề. Tất cả liên quan khách du dịch của Việt Nam bị ảnh hưởng hết. Hãng này chủ yếu bay Trung Quốc nhiều nên ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Jetstar Pacific," ông Dũng cho biết thêm.

Đề cập đến trách nhiệm của các cá nhân đối với khoản lỗ nghìn tỷ tại Jestar Pacific, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bày tỏ quan điểm: “Nhân sự chuyển sang trong thời điểm, bối cảnh, điều kiện đã lỗ rồi hay bối cảnh như thế nào, chúng ta phải đánh giá như thế chứ không phải sang đó gánh lỗ của cả giai đoạn 2008-2012 và 2012-2018 thì cũng không phải, đây là cả quá trình.”

Cần phải nhắc lại thời gian trước để thấy rằng, cuối năm 2011, Jetstar Pacific đứng ngấp nghé trên bờ vực phá sản khi ngập trong khó khăn, lỗ lũy kế đã lên tới trên 2.000 tỷ đồng. Để vực dậy hãng hàng không này, Chính phủ đã giao Vietnam Airlines tiếp nhận nguyên trạng phần vốn Nhà nước tại Jetstar.

Thông qua các đợt tăng vốn điều lệ cho Jetstar Pacific theo thỏa thuận với cổ đông nước ngoài Qantas (Australia), Vietnam Airlines cũng thực hiện tái cơ cấu toàn diện hãng hàng không này với các công việc như trẻ hóa đội bay bằng cách trả trước hạn toàn bộ máy bay 5 chiếc B737-400 cũ đang khai thác để thay thế sang A320 đem lại hiệu suất cao hơn; tái cấu trúc nhân sự để giảm chi phí; áp dụng chiến lược phát triển thương hiệu kép Vietnam Airlinies-Jetstar Pacific.

Những bước đi chiến lược này đã giúp Jetstar Pacific từng bước giảm lỗ, hoạt động có lãi nhẹ 8,4 tỷ đồng vào năm 2014, năm 2015 lãi trên 112 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2015, Jetstar Pacific có tổng cộng 12 máy bay, thiết lập được 31 đường bay tới 16 điểm đến nội địa và 5 điểm đến quốc tế. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2015, hãng đã mở được 11 đường bay nội địa mới và 5 đường bay quốc tế.

Do những khó khăn về thị trường, rủi ro tỷ giá và khoản lỗ lũy kế có tính chất lịch sử để lại, Jetstar Pacific chưa thể cân bằng tài chính, chuyển từ lỗ sang lãi nhưng tình hình đã khả quan hơn. Tính chung cả giai đoạn trở thành Công ty con của Vietnam Airlines (2012-2018), lỗ của Jetstar Pacific đã giảm về mức trung bình 254 tỷ đồng/năm so với mức lỗ 471 tỷ đồng/năm của giai đoạn 2008-2011.

“Những dấu hiệu khá tích cực này cho thấy quá trình tái cơ cấu Jetstar Pacific đã có chuyển biến và đang đi đúng hướng,” lãnh đạo Vietnam Airlines khẳng định./.

Theo Việt Hùng (Vietnam+)