Theo đó, khoản thu nhập mà bà Phượng (mua nợ của Doanh nghiệp tư nhân Huỳnh Phát) nhận được theo hợp đồng mua nợ là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ hoạt động kinh doanh. Theo đó, bà Phượng thực hiện nộp thuế theo quy định tại Điều 7, Khoản 1b Điều 8, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính.

Cụ thể:

1.   Về thuế GTGT

Tại điểm b, d Khoản 8 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) như sau: “b. Hoạt động cho vay riêng lẻ, không phải hoạt động kinh doanh, cung ứng thường xuyên của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng; d) Bán nợ”.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp bà Trương Thị Kim Phượng bán khoán nợ của Doanh nghiệp tư nhân Huỳnh Phát nợ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Tiền Giang thì hoạt động này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

2.   Về thuế TNCN

Tại Khoản 1 Điều 3 Quy chế mua bán nợ của các tổ chức tín dụng ban hàng kèm theo Quyết định số 59/2006/QĐ-NHNN ngày 21/12/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có quy định: “Mua, bán nợ là việc chuyển nhượng khoản nợ, theo đó, bên  bán nợ chuyển giao quyền chủ nợ của khoản nợ cho bên mua nợ và nhận thanh toán từ bên mua nợ”.

Tại Khoản 1 Điều 3 Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 của Quốc hội ngày 21/11/2007 quy định: “Thu nhập từ kinh doanh bao gồm: a) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”…;

Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN quy định thu nhập chịu thuế của cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây:

Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Riêng đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chỉ áp dụng đối với trường hợp không đủ điều kiện được miễn thuế quy định tại Khoản 5 Điều 4 Nghị định này ...

Căn cứ theo các quy định nêu trên, trường hợp bà Trương Thị Kim Phượng mua khoản nợ của Doanh nghiệp tư nhân Huỳnh Phát từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Tiền Giang thì khoản thu nhập mà bà Phượng nhận được theo hợp đồng mua nợ là thu nhập chịu thuế TNCN từ hoạt động kinh doanh và thực hiện nộp thuế theo quy định tại Điều 7, Khoản 1b Điều 8, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính.

Doanh thu được khấu trừ thuế GTGT không gồm doanh thu nội bộ

Tổng cục Thuế vừa nhận được Công văn số 7053/BIDV-TC ngày 10/9/2015 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vướng mắc về việc xác định tỷ lệ phân bổ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào được khấu trừ.

Về việc này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào:

Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể vả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra không hạch toán riêng được…”.

Căn cứ quy định nêu trên thì trường hợp BIDV phát sinh doanh thu, chi phí nội bộ được phản ánh trên tài khoản 47 “doanh thu nội bộ”, tài khoản 57 “chi phí nội bộ” và các khoản doanh thu, chi phí này chỉ để ngân hàng theo dõi trong nội bộ giữa hội sở với chi nhánh và giữa các chi nhánh của ngân hàng nhằm xác định hiệu quả hoạt động từng đơn vị phụ thuộc, đây không phải là doanh thu thu được từ khách hàng. Do vậy, doanh thu để xác định tỷ lệ phân bố thuế GTGT đầu vào được khấu trừ không bao gồm doanh thu nội bộ.

Ban Mai