Thành công từ liên kết

Những ai từng đặt chân đến mảnh đất Quảng Trị đầy nắng gió, đi dọc vùng ven biên giới Việt - Lào, nơi có đông bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô sinh sống, mới thấy hết được sự “đổi đời” của người dân nơi đây. Nhờ sự giúp đỡ của Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị về cách trồng sắn, cùng với đồng vốn của Agribank (Agribank Hướng Hóa, Quảng Trị) đã giúp người dân biên giới huyện miền núi Hướng Hóa có đời sống no ấm và thậm chí làm giàu từ cây sắn, vốn là điều không tưởng đối với một huyện miền núi nghèo trước đây một năm chỉ có 3 tháng đủ ăn, còn đến 9 tháng phải trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Ông Phan Văn Sinh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị - một trong số các khách hàng thân thiết của Agribank Chi nhánh Quảng Trị cho biết: Ban đầu, Tổng Công ty đơn thuần kinh doanh thương mại, cách đây 10 năm, mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, một lĩnh vực nhiều rủi ro. Cùng với sự đồng hành của Agribank Quảng Trị, có thời điểm Tổng Công ty vay của Agribank Quảng Trị vài chục tỷ đồng và dư nợ hiện tại 26 tỷ đồng. “Vay vốn Agribank từ những ngày đầu thành lập, mỗi khi cần vay vốn, Agribank là NH mà chúng tôi nghĩ đến đầu tiên! Từ nguồn vốn vay Agribank, Tổng Công ty đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn ở huyện Hướng Hóa, nhà máy chế biến nông sản tại TP Đông Hà và nhà máy chế biến mủ cao su tại huyện Cam Lộ, nhà máy sản xuất phân bón… đồng thời mở chuỗi cửa hàng đưa hàng Việt Nam chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân” - ông Sinh nói.

Người dân Hướng Hóa học cách trồng sắn

Xây dựng xong nhà máy chế biến tinh bột sắn tại huyện Hướng Hóa, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị mời các nhà khoa học am hiểu về chuyên môn, tiến hành tổ chức dạy cho bà con nơi đây cách trồng sắn đúng kỹ thuật. Đến nay, từ việc trồng sắn, hàng ngàn hộ gia đình tại huyện miền núi giáp Lào này thu về được vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Những hộ gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm được Tổng Công ty kết nạp vào “câu lạc bộ trăm triệu” và được Tổng Công ty thưởng đi du lịch Thái Lan tham quan và học hỏi kinh nghiệm trồng sắn… Người dân giàu lên từ trồng sắn, còn Tổng Công ty có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định phục vụ cho hoạt động của nhà máy.

Thu hoạch tiêu tại vùng Cùa

Mới đây, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị còn được biết đến khi đưa sản phẩm tiêu Cùa - đặc sản quê của vùng đất thuộc xã Cùa, huyện Cam Lộ ra với thị trường châu Âu và các nước trên thế giới. Với sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các “nhà” nhằm giúp tiêu Cùa phát triển bền vững từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị phối hợp cùng chính quyền địa phương hỗ trợ khoa học kỹ thuật, giống, phân bón, vốn vay… xây dựng các điển hình trồng cây hồ tiêu khác nhau để tăng năng suất, thực hiện bao tiêu sản phẩm. 

Sau khi đầu tư vào diện tích trồng hồ tiêu theo điển hình, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị cam kết thu mua sản phẩm của người dân, giúp các hộ trồng hồ tiêu an tâm và tin tưởng đầu tư vào cây trồng truyền thống. Cùng đó, Tổng Công ty đầu tư xây dựng hệ thống dây chuyền chế biến hạt tiêu theo công nghệ hiện đại tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà, thu mua toàn bộ hạt tiêu tươi của người dân để chế biến, đóng gói, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý rõ ràng để cung cấp cho hệ thống siêu thị mà Tổng Công ty có quan hệ đối tác. 

Với cách làm này, năm 2014, tại Thụy Sĩ, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị với sản phẩm tiêu Cùa đã được trao tặng Giải thưởng “Chất lượng Quốc tế Thế kỷ”. Còn người nông dân xã Cùa yên tâm vì từ đây đã xác định được cây trồng truyền thống của mình để phát triển sản xuất…

Trao đổi với chúng tôi, cả người đứng đầu Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị lẫn người dân tham gia chuỗi liên kết đều có chung một suy nghĩ: Sự thành công của họ sẽ không thể là hiện thực nếu như không có sự đồng hành, gắn kết của Agribank.

Đầu tư phát triển chuỗi liên kết

Mô hình cho vay liên kết theo chuỗi sản xuất là mô hình mới, được Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần tham gia nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, cung ứng cho thị trường sản phẩm sạch, chất lượng cao, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.

Giữ vai trò chủ đạo trên thị trường tín dụng nông thôn, Agribank nhận thức rất rõ vai trò quan trọng của chuỗi liên kết, là xu thế phát triển tất yếu của nông nghiệp hiện đại. Chính vì vậy, ngay sau khi có Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 05/03/2014 của Chính phủ, Quyết định số 1050/QĐ-NHNN của NH Nhà nước quy định về việc cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Agribank tiên phong triển khai ký kết hợp đồng nguyên tắc cấp tín dụng trị giá hơn 331 tỷ đồng cho 3 DN gồm Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An Tafishco (thực hiện dự án chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco sản xuất - chế biến - xuất khẩu có 8 hộ nông dân tham gia được vay 234 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại đầu tư Tín Thương (thực hiện dự án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa nếp đặc sản ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, có hơn 300 hộ nông dân tham gia, được vay 25 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang Antesco (thực hiện dự án đầu tư chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu Antesco tại huyện Châu Phú và Châu Thành, tỉnh An Giang, với sự tham gia của gần 10.000 hộ dân, được vay 72 tỷ đồng)… Đây là 3 trong 4 DN được UBND tỉnh An Giang lựa chọn tham gia dự án thí điểm chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ trên địa bàn tỉnh An Giang với sự tham gia của gần 11.000 hộ nông dân.

Agribank tham gia ký kết hợp đồng tín dụng cho vay thí điểm chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp

Tại nhiều địa phương trên cả nước, Agribank tích cực triển khai thí điểm mô hình cho vay theo chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm, như: Cánh đồng mẫu lớn ở Cần Thơ, cá tra ở An Giang, trồng hoa ở Lâm Đồng, mía ở Khánh Hoà, mô hình chăn nuôi lợn ở Hà Nam, trồng ngô ở Sơn La, giống cây trồng ở Hải Phòng… Bước đầu các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa các DN và người dân.

Đến 31/7/2015, tổng nguồn vốn của Agribank đạt 742.473 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 566.716 tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 75,2%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Agribank tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, đi đầu trong triển khai các chương trình quan trọng của Đảng, Chính phủ, NH Nhà nước.

Để đáp ứng nhu cầu vốn vay có hiệu quả phục vụ sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực ưu tiên, Thành viên Hội đồng Thành viên - Tổng Giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết: Năm 2015, Agribank tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu nhằm xây dựng Agribank thành một NH thương mại hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao, giữ vị trí chủ lực trên thị trường tiền tệ, tín dụng nông thôn, cung ứng sản phẩm dịch vụ chất lượng cao...


Viết Chung