Sôi động thị trường ví điện tử Việt Nam
 

Thời gian qua, chúng ta đều được chứng kiến sự bùng nổ của Fintech (công nghệ áp dụng vào lĩnh vực tài chính). Nhờ vào các tính năng thanh toán nhanh chóng, gọn nhẹ thông qua thiết bị di động dẫn tới sự phát triển nhanh và rất mạnh của các loại hình thương mại điện tử trong đó có ví điện tử. 

Tính đến năm 2019, NHNN đã cấp phép cho 23 ví điện tử hoạt động tại Việt Nam; số đơn vị chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử lên tới 10.000 đơn vị. Không những vậy, theo dự tính của Ngân hàng Nhà nước, số người sử dụng ví điện tử tiếp tục tăng mạnh lên 10 triệu tài khoản vào năm 2020. Con số từ Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thanh toán điện tử cao nhất thế giới với tốc độ khoảng 35%/năm. 

Một trong những ứng dụng ví điện tử phổ biến của Việt Nam là MoMo công bố trong họ đã tiếp cận được tới gần 10 triệu người dùng cùng với khối lượng giao dịch tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Hay ví điện tử Moca của Grab, liên kết trực tiếp với nhiều ngân hàng, đối tác, và khoảng 4.000 điểm chấp nhận thanh toán, chủ yếu trong lĩnh vực tiêu dùng, giao thông vận tải, giáo dục, nhà hàng, thời trang... Nhưng thị trường ví điện tử Việt Nam không chỉ có MoMo, MoCa. Với 23 ví điện tử đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, chúng ta có thể thấy nhiều tên tuổi rất mạnh, có sự góp mặt của nhà đầu tư nước ngoài như AirPay, Payoo... 

Thậm chí, các ngân hàng tại Việt Nam cũng đang từng bước thâm nhập thị trường ví điện tử như Ví Việt của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)... hay của những công ty, tập đoàn công nghệ lớn như Zalo Pay (thuộc VNG) hoặc WePay (của VC Corp), ViettelPay của Viettel...

 
 
Ví điện tử an toàn, cần sự cảnh giác người dùng
 

Cơ cấu dân số trẻ, độ phủ sóng của điện thoại thông minh khá lớn cùng với sự tiện lợi và các chương trình khuyến mại hấp dẫn đang khiến ví điện tử được người dùng yêu thích và sử dụng rất nhiều. Không những vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ví điện tử cũng đang tìm cách kết hợp với các đơn vị khác tạo nên một ‘hệ sinh thái' mà ở đó người dùng có thể thanh toán nhiều thứ hơn chỉ bằng chiếc điện thoại di động. 

Ví dụ như trong năm 2018, Moca đã kết hợp cùng Grab hay AirPay liên kết với ứng dụng giao đồ ăn Now.vn... Các tính năng của ví điện tử Việt Nam hiện nay chủ yếu xoay quanh việc thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, vay tiêu dùng; mua thẻ điện thoại; mua vé xem phim; chuyển tiền; mua sắm trên các ứng dụng thương mại điện tử; mua vé máy bay...  

Đầu năm 2019, Nghị định 02 của Chính phủ có một nội dung là đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, trước tháng 12/2019, các dịch vụ thanh toán tiền điện, nước, học phí, viện phí, viễn thông... tại các khu vực đô thị sẽ sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Nhìn ở góc độ người dùng, sự thuận lợi, tiện ích và cả tiết kiệm hơn dùng tiền mặt sẽ giúp các kênh thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ hơn.

Song, với sự phát triển quá nhanh, quá ồ ạt cũng đang dẫn tới nhiều vấn đề rủi ro phát sinh cho người dùng. Lợi dụng sơ hở của không ít khách hàng, các đối tượng đã giả danh nhân viên kỹ thuật, nhân viên chăm sóc khách hàng của các đơn vị ví điện tử liên hệ xử lý lỗi kỹ thuật tài khoản của khách, lừa đảo khách hàng cung cấp thông tin cá nhân và mã OTP xác thực, sau đó đã chiếm đoạt ví điện tử rồi thực hiện giao dịch rút tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Không chỉ lừa đảo khách hàng, hiện nay, với công nghệ kỹ thuật ngày càng tinh vi, trên thị trường xuất hiện những chiếc ví điện tử mạo danh, không được sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, tiến hành huy động vốn trái phép, từ đó, chiếm dụng tiền của người sử dụng. 

Đầu tháng 8 vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về ví điện tử tự xưng PayAsian. Chiếc ví điện tử này mới xuất hiện ở Việt Nam gần 1 năm nay và được quảng cáo là có chức năng làm trung gian thanh toán trực tuyến mọi nơi, mọi tiền tệ của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt khi đổi tiền thật lấy tiền ảo lại được hưởng lãi suất khủng. Đến thời điểm hiện tại, ví điện tử này vẫn chưa được cấp phép hoạt động của Ngân hàng Nhà nước. Phía bên Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ duy nhất đồng tiền Việt Nam được phép lưu hành. 

Với vỏ bọc là chiếc ví điện tử, nhưng bên trong đây là hình thức huy động vốn trái phép. Và theo quảng cáo, người dùng có thể kiếm bội tiền nếu đầu tư vào chiếc ví này bằng cách dùng tiền thật mua tiền ảo có tên Paya ở trong ví. Khi người đầu tư nộp tiền vào ví này để mua tiền ảo cũng không có bất kỳ giấy tờ thu nhận nào, dẫn đến nguy cơ rủi ro mất tiền là rất lớn.

 
Agribank - Mảnh ghép an toàn cho hệ sinh thái lớn
 

Đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong giao dịch thanh toán, Agribank tích cực nghiên cứu các mô hình kinh doanh, mô hình ngân hàng số, tập trung dữ liệu toàn ngành, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghê, an toàn thông tin mạng, đào tạo nguồn nhân lực, từ đó ứng dụng chính nền tảng công nghệ hiện đại để phát triển mảng ngân hàng bán lẻ và triển khai mạnh mẽ các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. 

Trên cơ sở nghiên cứu, lựa chọn kỹ lưỡng đối tác nhằm hạn chế tối đa rủi ro khi sử dụng ví điện tử, Agribank đã liên kết trực tiếp với 8 ví điện tử uy tín đã được NHNN cấp phép (Momo, Airpay, Vimo, Senpay, Zalopay, Payoo, Moca, Onepay)... Agribank phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử áp dụng nhiều công nghệ mới nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người dùng thanh toán không tiền mặt. 

Thực hiện theo quy định của NHNN, Agribank triển khai phương thức xác thực OTP cho những giao dịch có giá trị lớn bằng các giải pháp an toàn bảo mật cao, như phần mềm tạo mã OTP (soft OTP), thiết bị nhận mã OTP (Token), Token OTP loại nâng cao, xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học... nhằm tăng cường an ninh bảo mật các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, giảm thiểu rủi ro trong thanh toán (ví AirPay áp dụng xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch có giá trị cao, khách hàng phải thực hiện xác thực 2 lớp: mật khẩu thanh toán và mã OTP để xác thực giao dịch; hay MoMo cũng không để chế độ lưu mật khẩu, người dùng luôn cần nhập lại mật khẩu mỗi lần mở ứng dụng).

 
 
Tuy vậy, để bảo đảm an toàn cho mọi giao dịch trên ví điện tử của người dùng vẫn cần sự cẩn trọng từ chính người sử dụng. Sau đây là những khuyến cáo cần thiết cho khách hàng sử dụng ví điện tử liên kết với Agribank: Không chia sẻ thông tin về tài khoản ngân hàng cũng như thông tin ví điện tử của mình cho người khác; Cài đặt phần mềm phòng chống virus trên điện thoại, máy tính sử dụng để nâng cao độ an toàn và bảo mật, tránh bị đánh cắp tài khoản; Không nên lưu giữ mật khẩu trên các thiết bị di động, máy tính. 

Sau khi sử dụng tài khoản ví điện tử để thanh toán, cần đăng xuất ngay; Không sử dụng chung một tài khoản để thanh toán nhiều dịch vụ khác nhau; Nên để tiền trong ví vừa đủ dùng và chỉ thanh toán bằng mạng wifi đáng tin cậy.
 


Phát huy vai trò tiên phong của Ngân hàng thương mại trong phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, thời gian qua, Agribank được đánh giá là một trong số Ngân hàng có đóng góp tích cực đối với thị trường thanh toán không dùng tiền mặt. Việc lựa chọn liên kết với các ví điện tử uy tín cho thấy Agribank luôn đặt yếu tố đảm bảo, an toàn các giao dịch cho khách hàng lên hàng đầu, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ tiện ích gia tăng, thể hiện đúng vai trò trách nhiệm của một Ngân hàng thương mại hàng đầu.
 
Minh Hằng