Trong nhiều năm qua, công tác xuất khẩu lao động được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, coi đây là một hoạt động kinh tế - xã hội góp phần phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ tay nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, mở rộng hợp tác quốc tế. Với nhiều gia đình, xuất khẩu lao động còn là “phao cứu sinh” để sớm vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu.

Trong bối cảnh hiện nay, dịch COVID-19 đã khiến các hoạt động kinh tế - xã hội ở các quốc gia tiếp nhận bị xáo trộn, và điều này cũng đã ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng lao động Việt Nam. Nhiều thị trường lao động truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Theo đó là các công ty, doanh nghiệp dịch vụ đưa người đi xuất khẩu lao động phải tạm dừng đào tạo, tuyển chọn lao động.

Việc xuất khẩu lao động khó khăn gây nên nhiều thiệt hại trong phát triển kinh tế chung của các địa phương. Bản thân người lao động trực tiếp gánh chịu thiệt thòi vì đã nộp phí học tiếng, học nghề và chi phí cho các thủ tục pháp lý khác.

Chị Nguyễn Thị Gấm (Hưng Yên) chia sẻ, theo lịch thì đầu tháng 2/2021, chị xuất cảnh sang Nhật đi làm theo hợp đồng, nhưng dịch bệnh liên tiếp kéo dài, phía Nhật thông báo tạm dừng nhập cảnh người lao động nước ngoài, tình hình dịch bệnh trong nước cũng diễn biến phức tạp nên lịch xuất cảnh đã phải hủy bỏ. Trong thời gian mấy tháng trước đó, gia đình lo chi phí hơn 100 triệu đồng cho các khoản học tiếng và các chi phí chuẩn bị cho kế hoạch xuất cảnh. Giờ không đi được, cả nhà lại thêm mối lo, chỉ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để tiếp tục kế hoạch đi sang Nhật làm việc.

Chị Nguyễn Thị Gấm chỉ là một trong số hàng chục nghìn lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, hiện đã đủ điều kiện nhưng chưa thể xuất cảnh bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trên thực tế, hiện nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động đào tạo lao động xuất khẩu rơi vào bế tắc, hoạt động cầm chừng, thậm chí phải cho một số nhân viên nghỉ việc để giảm gánh nặng chi phí.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2020 chưa đạt kế hoạch, chỉ tiêu đã đề ra. Số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020 chỉ đạt trên 78.000 người.

Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 41.383 lao động (14.912 lao động nữ). Trong khi đó, dự tính kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 90.000 lao động. Như vậy, đến hết tháng 7 mới đạt 45,98% kế hoạch năm 2021.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu lao động và khó dự báo trước được thời gian phục hồi, vì không chỉ những khó khăn trong nước mà còn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh của các nước tiếp nhận.

Theo kế hoạch tiêm chủng trên quy mô toàn quốc, Bộ Y tế phấn đấu đầu năm 2022 sẽ có 70-75% dân số được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Cùng với việc thực hiện tốt kiểm soát dịch bệnh, các nước sẽ mở cửa trở lại, vấn đề “hộ chiếu vắc xin” có thể được đưa vào chính sách nhập cảnh, người lao động và các doanh nghiệp trong trong lĩnh vực xuất khẩu lao động hy vọng thị trường lao động xuất khẩu sẽ dần hồi phục.

Theo các chuyên gia xuất khẩu, trong khi chờ dịch bệnh được kiểm soát, thị trường lao động các nước mở cửa trở lại, ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý Nhà nước, bên cạnh việc xây dựng chính sách hỗ trợ tốt cho người lao động, cần tiếp tục phát huy các chính sách phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Với việc Việt Nam được đánh giá xếp hạng an toàn cao, người lao động sẽ nằm trong nhóm được ưu tiên nhập cảnh vào các quốc gia tiếp nhận.

Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiêp căn cứ tình hình cụ thể tại đơn vị, thực hiện các thủ tục để được hỗ trợ phù hợp.

Phương Anh