Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, VCCI, cho biết, qua điều tra, diễn đàn mà VCCI tổ chức trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp vẫn phản ánh còn nhiều vướng mắc khi triển khai, dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các lĩnh vực liên quan như: Quyết định chủ trương đầu tư; các thủ tục về đất đai giải phóng mặt bằng; các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy; thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thủ tục xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; thủ tục cấp phép xây dựng; thủ tục kết nối cấp điện; thủ tục kết nối cấp thoát nước; thủ tục đăng ký quyền sở hữu công trình xây dựng.

Đây là 11 thủ tục mà nhà đầu tư thông thường phải thực hiện khi thực hiện 1 dự án đầu tư xây dựng trong thực tế. Nếu sự phối hợp giữa các thủ tục này chưa tốt sẽ gây khó khăn cho, rủi ro cho các nhà đầu tư.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TQ 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, ngành Xây dựng hiện nay đang cố gắng lấy “ngắn nuôi dài”. Để tháo gỡ cho các doanh nghiệp ngành Xây dựng, Chủ tịch Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề nghị Bộ Xây dựng cho phép sửa đổi Nghị định về hợp đồng xây dựng, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm thanh toán của các chủ đầu tư bằng những quy định cụ thể;

Cho sửa đổi về thanh toán của hợp đồng xây dựng: Các chủ đầu tư đặc biệt là các chủ đầu tư vốn ngoài ngân sách phải có bảo lãnh thanh toán có 30% hợp đồng bảo lãnh vốn vay. 

Đề nghị Bộ Xây dựng có đánh giá về tiêu chuẩn kỹ thuật đấu thầu, về đầu tư bất động sản, ngành kinh doanh chịu sự tác động của 12 luật khác nhau nên gây chậm tiến độ cho các dự án, kéo theo chậm tiến độ xây dựng, gây ảnh hưởng số đầu việc cho các nhà thầu.

Chủ tịch Nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị việc lựa chọn chủ đầu tư, quy định chuyển đổi đất ở đô thị (trong đó phải có 1 phần đất ở đô thị) đây là điều gây hạn chế toàn bộ các dự án nhà ở vì hiện tại là đất kho, đất xưởng… Chính quy định này đang gây ách tắc cho khoảng 400 dự án cả ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Luật Nhà ở 2014 và nghị định của Chính phủ đang có sự vênh nhau về thời gian bảo hành. Hiện nay, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đang rất phức tạp, các cơ quan chính quyền không mạnh tay về công tác đền bù.

Việc dành 20% quỹ đất cho các dự án nhà ở xã hội đang bất cập, đề nghị các dự án nộp phần chênh lệch này vào quỹ nhà ở xã hội và do Bộ Xây dựng quản lý.

Đề nghị sửa Thông tư 06 để hạn chế bất cập giữa ban quản trị và cư dân; các thông tư của Ngân hàng Nhà nước. Đồng tình siết chặt trái phiếu doanh nghiệp để hạn chế rủi ro trong lĩnh vực đầu tư bất động sản…

Bà Nguyễn Minh Thảo - đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương cho rằng, thời gian cấp phép xây dựng còn phiền hà, còn khó khăn cho doanh nghiệp. Khi các nhà đầu tư vào Việt Nam, chỉ số cấp phép xây dựng là một trong các chỉ số được các nhà đầu tư quan tâm. Nhưng chúng ta vướng thời gian thực hiện cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan rất dài. Hiện nay theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới là 166 ngày cho thủ tục từ phòng cháy chữa cháy đến cấp phép, không bao gồm quyết định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, quy hoạch. Thời gian tương đối dài, có thể gấp 2, gấp 3 lần so với các nước trong khu vực.

leftcenterrightdel
Các doanh nghiệp ngành Xây dựng vẫn “vướng” nhiều thủ tục hành chính. Ảnh: TQ 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là chủ trương quan trọng mà Đảng và Chính phủ đã đề ra và đang ưu tiên thực hiện.

Thực hiện nhiệm vụ này, thông qua công tác xây dựng và hoàn hiện thể chế, Bộ Xây dựng đã thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa, tích hợp nhiều thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cũng như cắt giảm, đơn giản hóa số lượng lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh.

Riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, đã bãi bỏ 03 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 09 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 09 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 03 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tích hợp, thay thế 05 nghị định, 07 thông tư vào 02 nghị định.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022. Thực hiện thành công phương án này hứa hẹn tạo ra các hỗ trợ thực chất nhất cho doanh nghiệp ngành Xây dựng, tạo ra sự đột phá trong nâng cao chỉ số cấp phép xây dựng của ngành năm 2021, 2022.

Dù đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh, doanh của ngành, Bộ Xây dựng vẫn luôn nhận thức rằng thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng vẫn phải tiếp tục được cải cách và dư địa cải cách vẫn còn rất lớn.

“Qua Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp ngày hôm nay, Bộ Xây dựng xin cầu thị, lắng nghe và rất mong nhận được sự đánh giá khách quan, thẳng thắn và trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh ngành Xây dựng cũng như các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng trên thực tế, làm cơ sở để Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục đề xuất những giải pháp cải cách phù hợp, hiệu quả và khả thi hơn trong thời gian tới” - Bộ trưởng Xây dựng nói.

Trần Quý