2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên ở Việt Nam và các thị trường tiếp nhận lao động có những chính sách thắt chặt phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh. Do đó, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, quý I/2022, thị trường xuất khẩu lao động có nhiều dấu hiệu khởi sắc, Việt Nam đã đưa gần 2.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 3/2022 là 1.096 người, tập trung chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hungary, Trung Quốc...

Từ giữa tháng 2/2022, Đài Loan phát đi thông báo tiếp nhận lao động nước ngoài sang làm việc, trong đó có Việt Nam. Hàn Quốc cũng đã công bố chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo chương trình tại nước này trong năm 2022 ở mức 59.000 người (tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021) với nhiều ngành nghề như sản xuất chế tạo, nông nghiệp, chăn nuôi, ngư nghiệp, xây dựng, dịch vụ…

Tương tự, Chính phủ Nhật Bản vừa công bố sẽ nới lỏng hạn chế nhập cảnh, cho phép thực tập sinh nhập cảnh, trong đó có thực tập sinh Việt Nam, nâng số lượng người nhập cảnh tối đa mỗi ngày từ 3.500 lên 5.000 người từ tháng 3.

Bên cạnh việc ổn định thị trường lao động truyền thống, tiếp nhận nhiều người lao động Việt Nam, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang từng bước mở rộng những thị trường mới, thị trường tiềm năng như châu Âu, Australia, Đức…

Việc các nước và vùng lãnh thổ mở cửa chào đón, thị trường xuất khẩu lao động đang nhận được tín hiệu tích cực, từng bước phục hồi, dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện, hệ thống 63 trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước đang rất tích cực tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài và phục vụ cho nhu cầu tuyển dụng lao động ở trong nước.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, nhu cầu việc làm ở Việt Nam và các nước rất phong phú, đa dạng. Người lao động có rất nhiều cơ hội lựa chọn làm việc ngay trên quê hương của mình, cũng như những địa bàn, vùng kinh tế phát triển, đồng thời cũng có nhiều cơ hội xuất khẩu lao động, kể cả đi học, vừa làm vừa học. Trong khi đó, lao động Việt Nam luôn được người sử dụng lao động và các cơ quan hữu quan tại nước tiếp nhận đánh giá tích cực về sự chăm chỉ, cần cù, nắm bắt nhanh công việc, làm việc có chất lượng và năng suất. Tại một số thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc, lao động Việt Nam luôn được doanh nghiệp, người sử dụng lao động ưu tiên tiếp nhận hơn so với lao động nhiều quốc gia phái cử khác.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hậu COVID-19, kinh tế trên thế giới sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu tiếp nhận lao động sẽ gia tăng và đây chính là thời cơ thuận lợi để tăng cường đưa lao động đi làm việc ở các thị trường này.

Để chuẩn bị cho việc phái cử người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực, quốc gia trên thế giới, thời gian qua, Việt Nam cũng như hầu hết các nước đều có sự thay đổi chính sách thích ứng với dịch bệnh COVID-19, nhằm phục hồi nền kinh tế. Nhiều nước đã mở cửa tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài. Cụ thể, các nước châu Âu vẫn tiếp nhận lao động từ năm 2021; Hàn Quốc vẫn tiếp nhận lao động làm việc trên tàu biển và tàu đánh cá xa bờ và ven bờ, riêng chương trình EPS mới tiếp nhận trở lại từ tháng 5...

Cục Quản lý lao động ngoài nước thường xuyên trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động, để có những chỉ đạo và hướng dẫn phù hợp.

Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc với các cơ quan liên quan trong nước, các địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác chuẩn bị nguồn lao động; thủ tục cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài đáp ứng được các điều kiện, quy định tiếp nhận lao động nước ngoài tại các quốc gia/vùng lãnh thổ như: Tiêm chủng, hộ chiếu vắc xin, bảo hiểm sức khỏe (bao gồm cả dịch bệnh COVID-19).

Cục Quản lý lao động ngoài nước đang tuyển chọn 160 ứng viên tham gia dự án theo thỏa thuận hợp tác 3 bên cùng có lợi - tuyển chọn học viên Việt Nam trở thành điều dưỡng viên tương lai tại Cộng hòa Liên bang Đức năm 2022 - 2023.

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại (Australia) cũng đã ký kết bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Australia.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm cho biết thêm, để có được nguồn nhân lực chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính, cần phải đào tạo, trang bị kiến thức cho người lao động trước khi xuất cảnh. Điều này được quy định cụ thể trong Luật Người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Vì vậy, việc đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề và trang bị kỹ năng mềm cho người lao động là yêu cầu bắt buộc. Việc luật hóa công tác đào tạo trước khi phái cử lao động đã dần hình thành một lực lượng lao động chuẩn mực tại nhiều thị trường tiếp nhận lao động Việt. Hình ảnh người lao động Việt Nam được nâng cao đáng kể trong mắt chính quyền và người dân sở tại.

Phương Anh