Tiến hành 3.572 cuộc thanh tra, kiểm tra

Theo báo cáo, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ thường xuyên tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra. Từ năm 2019 đến nay, Bộ Nội vụ tiến hành hơn 40 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch về quản lý, sử dụng biên chế công chức; số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế; tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch đối với công chức, viên chức; việc ký hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý...

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ tiến hành 7 cuộc kiểm tra về những nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, trong đó có việc kiểm tra, xác minh một số nội dung về công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Nội vụ do Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện; kiểm tra công tác tổ chức thi và chấm thi nâng ngạch công chức từ ngạch chuyên viên lên ngạch chuyên viên chính năm 2018 của tỉnh UBND Quảng Bình; rà soát lại các nội dung phản ánh, tố cáo đối với Hội Chiến sỹ thành cổ Quảng Trị năm 1972; kiểm tra, xác minh các đơn tố cáo tại Đại học Quốc gia Hà Nội; đơn tố cáo ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa; kiểm tra, xác minh khiếu nại của ông Nguyễn Thành Nhơn, nguyên Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang khiếu nại quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cách chức đối với ông...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các cuộc thanh tra về công tác tổ chức cán bộ, trong thời gian từ năm 2017 đến hết 2019, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 3.572 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 4.287 cơ quan, tổ chức thuộc, trực thuộc, trong đó có 3.245 cuộc theo kế hoạch, 327 cuộc đột xuất, tiếp nhận 4.140 thông tin phản ánh từ phương tiện thông tin đại chúng và công dân (3.875 thông tin qua đơn thư, 265 thông tin qua phương tiện thông tin đại chúng).

Nhiều trường hợp bị thu hồi quyết định bổ nhiệm

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 92 bộ, ngành, địa phương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có các hình thức xử lý đối với cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm trong công tác tổ chức, quản lý và sử dụng biên chế; ký hợp đồng làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng tiến độ, tỷ lệ theo quy định; bổ nhiệm cấp phó vượt quá số lượng quy định. Nhiều trường hợp sai phạm bị xử lý bằng hình thức thu hồi, hủy bỏ các quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức không đúng quy định.

Số liệu tổng hợp của Bộ Nội vụ từ báo cáo của 78/92 bộ, ngành, địa phương trong 3 năm qua cho thấy, qua thanh tra, kiểm tra, tự rà soát, đã thu hồi quyết định tuyển dụng 252 trường hợp; thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động bổ nhiệm 271 trường hợp; thu hồi, hủy bỏ quyết định thăng hạng chức danh nghề nghiệp 118 trường hợp; xếp lại ngạch công chức, hạng viên chức 53 trường hợp; thi hành kỷ luật 53 trường hợp; 955 trường hợp bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm; 967 trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý khác. Hiện còn 14 đơn vị chưa gửi báo cáo, Bộ Nội vụ đang tiếp tục đôn đốc, trong năm nay sẽ hoàn thành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài các cuộc thanh tra, kiểm tra trực tiếp, các bộ, ngành, địa phương đã nhận thấy sai sót và tự khắc phục những vi phạm trong công tác tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, 133 trường hợp bị thu hồi quyết định tuyển dụng theo chính sách thu hút của các bộ, ngành, địa phương; 7 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định bổ nhiệm; 45 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng, tiếp nhận; 8 trường hợp bị xếp lại ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức; 61 trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm, Thanh tra Bộ Nội vụ đã kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tự xử lý các sai phạm, cụ thể thu hồi quyết định tuyển dụng theo chính sách thu hút đối với 59 trường hợp; thu hồi, hủy bỏ quyết định bổ nhiệm đối với 27 trường hợp; thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng, tiếp nhận đối với 87 trường hợp; thu hồi, hủy bỏ quyết định nâng ngạch, chức danh nghề nghiệp đối với 2 trường hợp; xếp lại ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức đối với 7 trường hợp; chấm dứt hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ đối với 2.176 trường hợp; xử lý theo Kết luận số 43-TB/TW của Bộ Chính trị (về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc tự kiểm tra, rà soát) và Kết luận số 48-KL/TW (về kết quả tự kiểm tra, rà soát thực hiện công tác cán bộ theo Thông báo Kết luận số 43-TB/TW) đối với 249 trường hợp.

Những tồn tại, hạn chế, sai phạm chủ yếu phát hiện thông qua thanh tra, kiểm tra là không thực hiện đúng quy định về thành lập Hội đồng tuyển dụng, không công khai thông báo tuyển dụng, hình thức thi đối với một số môn thi ở nhiều kỳ thi không đúng, việc chấm thi còn có sai sót, miễn thi môn ngoại ngữ, tin học và ưu tiên trong tuyển dụng không đúng quy định (đối với việc thi tuyển, xét tuyển); tuyển dụng công chức đối với các trường hợp đặc biệt không đúng tiêu chuẩn về bằng cấp chuyên môn hoặc thời gian công tác, không thực hiện đủ trình tự trong việc kiểm tra, sát hạch hoặc xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền. Một số địa phương ban hành chính sách thu hút không phù hợp quy định (đối với tuyển dụng đặc biệt không qua thi); không thực hiện đầy đủ trình tự bổ nhiệm như việc đề nghị về chủ trương bổ nhiệm đồng thời với đề xuất phương án nhân sự, ban hành quyết định bổ nhiệm lại chậm hoặc bổ nhiệm các trường hợp chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn tại thời điểm bổ nhiệm về trình độ chuyên môn, quản lý Nhà nước, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, quá tuổi bổ nhiệm lần đầu, không có trong quy hoạch, có số lượng cấp phó vượt quy định...

Chu Thanh Vân