Thống kê báo cáo tai nạn lao động hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho thấy, trong giai đoạn từ 2011-2020, xây dựng luôn xếp ở vị trí cao nhất trong những lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động và đứng đầu trong các lĩnh vực có số người chết do bị tai nạn lao động.

Năm 2016, chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực xây dựng với chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động vì những công trình xây dựng an toàn” được triển khai, đã góp phần kéo giảm số vụ tai nạn lao động chết người và số người chết do tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng.

Trong năm đầu thực hiện chiến dịch thanh tra lao động, Thanh tra Bộ LĐTB&XH đã đồng loạt triển khai thanh tra tại 63 tỉnh, thành phố. Kết quả, đã thanh tra tại 1.036 công trình xây dựng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Cụ thể: Thanh tra Bộ LĐTB&XH tiến hành thanh tra tại 169 doanh nghiệp; Thanh tra Sở LĐTB&XH các tỉnh thanh tra tại 867 doanh nghiệp. Qua thanh tra, phát hiện 6.440 sai phạm, bình quân 6,21 sai phạm/công trình, doanh nghiệp; xử phạt hành chính với tổng số tiền 1.881,9 triệu đồng. Cũng trong năm 2016, số vụ tai nạn lao động chết người trong lĩnh vực xây dựng giảm 15 vụ, số người chết giảm 21 người so với năm 2015.

Theo đánh giá, đến nay, qua 5 lần thực hiện chiến dịch, việc triển khai thực hiện chiến dịch thanh tra lao động đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế cũng như thúc đẩy an sinh xã hội.

Số vụ tai nạn lao động và tai nạn lao động chết người giảm đáng kể, các ngành xuất khẩu ngày càng tạo được thương hiệu, uy tín trên thị trường thế giới, mở được các thị trường mới, các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được đảm bảo, góp phần không nhỏ vào định hướng "việc làm bền vững".

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH, những năm gần đây, hiệu ứng tích cực từ chiến dịch thanh tra năm 2016 có biểu hiện giảm, tình hình tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt trong các hoạt động thi công tại công trường dự án có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp, các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại công trường xây dựng thường xuyên xảy ra.

Riêng trong các năm từ 2017 - 2020, trung bình hàng năm, lĩnh vực xây dựng chiếm 32% số vụ tai nạn chết người và 31% số người chết.

Điển hình một số vụ tai nạn nghiêm trọng: Vụ rơi thang máy tại chung cư Newlife Tower tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh ngày 22/8/2017 làm 3 người chết; vụ tai nạn sập đổ công trình xây dựng nhà xưởng xảy ra tại Khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long ngày 15/3/2019, làm 6 người chết, 2 người bị thương.

Vụ tai nạn sập đổ công trình xây dựng nhà xưởng xảy ra ngày 14/5/2020 tại Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai làm 10 người chết, 14 người bị thương. Vụ sập bờ kè trong quá trình thi công tại một công trình ở Đắk Nông khiến 1 công nhân tử vong hồi tháng 9/2020. Vụ tai nạn rơi lồng vận thăng tại dự án xây dựng trụ sở làm việc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An xảy ra ngày 2/1/2021 làm 3 người chết và 8 người bị thương...

Ông Tùng cũng cho biết, lĩnh vực xây dựng là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hàng đầu về mất an toàn lao động. Tiếp nối thành công của các chiến dịch trước, năm 2021, với chủ đề "Tăng cường tuân thủ pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động tại công trường xây dựng”, Thanh tra Bộ LĐTB&XH và các Sở LĐTB&XH sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra trên 600 dự án xây dựng tại 63 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Chiến dịch sẽ có sự tham gia của đại diện người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng và các cơ quan thanh tra lao động trong cả nước. Nội dung thanh tra bao gồm giao kết và thực hiện hợp đồng lao động; thời gian làm việc, nghỉ ngơi và tiền lương; bảo hiểm xã hội; quy định về an toàn vệ sinh lao động; an toàn xây dựng.

Chiến dịch thanh tra lao động năm 2021 sẽ tập trung vào các hoạt động chính như: Truyền thông; đào tạo, tập huấn; thanh tra, tự kiểm tra; giám sát, tổng kết, mục tiêu tổng thể là giảm thiểu tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng. Thông qua đó, nâng cao nhận thức và tăng cường tuân thủ các quy định của pháp luật lao động, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động, người lao động và toàn thể xã hội; cải thiện điều kiện làm việc của người lao động nhằm giảm thiểu rủi ro, sự cố gây mất an toàn, vệ sinh lao động, giảm thiểu tai nạn lao động, đặc biệt tại công trường xây dựng. Huy động sự vào cuộc của cơ quan truyền thông, các cơ quan, đối tác xã hội giải quyết các vấn đề không tuân thủ pháp luật lao động phổ biến trong ngành xây dựng. Tăng cường hoạt động thanh tra tại các doanh nghiệp là nhà thầu thi công các dự án xây dựng nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động; phát hiện những bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục. Nâng cao năng lực cho hệ thống thanh tra lao động các cấp.

Phương Anh