Tạo việc làm mới cho hơn 8 triệu lao động

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2020 và đặc biệt năm 2020 với ảnh hưởng to lớn của đại dịch COVID-19 và thiên tai, bão lũ bất thường, trong khi nhiều nước trong khu vực và thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam tự hào vì đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng, chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế.

An sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả ấn tượng; uy tín, vị thế của Việt Nam được nâng lên.

“5 năm qua với phương châm "Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả", ngành LĐTB&XH đã không ngừng nỗ lực tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cho các cấp ủy, chính quyền triển khai đồng bộ, toàn diện các chính sách an sinh xã hội. Qua đó trên các lĩnh vực của ngành đều chuyển biến tích cực”, người đứng đầu ngành LĐTB&XH nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết thêm, một số lĩnh vực đạt kết quả vượt bậc, đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng được mở rộng; mức thụ hưởng chính sách an sinh xã hội không ngừng được nâng cao. Đến nay, 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; cơ bản không còn hộ người có công trong hộ nghèo; 3% dân số Việt Nam và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ tiêu chuẩn được hưởng trợ cấp thường xuyên; người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm, trợ giúp theo quy định.

Các quyền cơ bản của trẻ em được bảo đảm. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong nhóm phát triển cao chúng ta đứng thứ 110 trong 189 quốc gia. Chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: MD 

5 năm qua cả nước tạo việc làm mới cho hơn 8 triệu lao động; hơn 635 nghìn người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng - vượt tới 27% chỉ tiêu (riêng năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Đến 31/12/2020, có khoảng 79 nghìn người đi lao động ở nước ngoài); chuyển dịch lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020.

Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,48%, ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.

Trong năm 2020, toàn ngành triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Chính phủ và các địa phương trong đại dịch COVID-19 đã hỗ trợ 31,5 nghìn tỷ đồng đảm bảo đời sống và hỗ trợ việc làm cho người dân, người lao động, trong đó ngân sách nhà nước chi trực tiếp 12,9 nghìn tỷ đồng cho trên 13 triệu người dân bị ảnh hưởng, qua đó góp phần quan trọng ổn định đời sống nhân dân, tạo công ăn, việc làm cho người lao động, giúp ổn định tình hình lao động. Đến nay, tình hình lao động, việc làm cơ bản trở lại trong trạng thái bình thường.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, lãnh đạo ngành LĐTB&XH thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể: Độ bao phủ an sinh xã hội còn thấp, nhất là bao phủ bảo hiểm xã hội đối với người già, người lao động khu vực nông nghiệp, phi chính thức. Ngoài ra, kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao (chiếm 55%).

Chênh lệch giàu nghèo, mức hưởng thụ, hệ số GINI (hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) cao (0,39) làm giảm hiệu quả giảm nghèo và triển vọng tăng trưởng. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn cao (32%); việc làm chưa thực sự bền vững. Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, phụ nữ diễn biến phức tạp, một số tệ nạn xã hội gây bức xúc xã hội.

Chăm lo Tết thật tốt cho các đối tượng người nghèo, người cô đơn, người có công với cách mạng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tích mà ngành LĐTB&XH đạt được trong năm 2020, trong đó phải kể đến những hoạt động giảm nghèo, thực hiện chính sách người có công, an sinh xã hội, việc làm và đào tạo nghề trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp …

Trong năm 2020, ngành LĐTB&XH đã có nhiều đổi mới, đặc biệt việc xác nhận hồ sơ người có công, thực hiện gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mặc dù chưa giải quyết hết được khó khăn cho người yếu thế nhưng phần nào giúp người dân giải quyết khó khăn trước mắt.

Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới, trong công tác giảm nghèo bền vững, ngoài các chương trình chung, Bộ LĐTB&XH cần huy động sức mạnh của các tổ chức hội để tập hợp nguồn lực, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo. Tập trung tốt nhất việc đón Tết cổ truyền dân tộc trong tình hình dịch bệnh COVID- 19 còn diễn biến phức tạp, đề nghị các cơ quan, địa phương đơn vị thực hiện tốt chỉ thị của Ban Bí thư và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt phải chăm lo Tết thật tốt cho các đối tượng người nghèo, người cô đơn, người có công với cách mạng…

Bộ LĐTB&XH cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội. Cùng với đó, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nhằm bảo đảm đời sống của người dân cũng như mở rộng tỷ lệ bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý cai nghiện ma tuý, giáo dục nghề nghiệp để thực hiện thành công mục tiêu giáo dục nghề nghiệp “đuổi kịp” giáo dục đại học về thứ hạng sắp xếp thứ tự trên thế giới.

Phương Anh