Giảm bớt khó khăn cho người lao động

Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có chính sách giảm mức đóng BHTNLĐ&BNN.

Theo đó, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vào Quỹ BHTNLĐ&BNN trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ BHTNLĐ&BNN (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước).

Như vậy, trong thời gian này, thay vì phải đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ BHTNLĐ&BNN, doanh nghiệp sẽ dùng số tiền đó để chăm lo người lao động trong phòng, chống dịch.

2 năm trước, ông K., trú tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã bị tai nạn trong lúc bốc xếp hàng hóa. Ông K. cho biết, bản thân làm nghề bốc xếp hàng hóa đã hơn 14 năm. Quá trình làm việc, ông K. được doanh nghiệp đóng BHXH đầy đủ. Trong một lần làm việc, ông không may bị té ngã, gãy xương vai với tỉ lệ thương tích 25%.

"Nhờ doanh nghiệp đóng BHXH chu đáo nên khi bị tai nạn, tôi đã được trợ cấp tiền BHTNLĐ trên 38 triệu đồng. Số tiền này đã hỗ trợ tôi không nhỏ trong suốt quá trình tôi điều trị, phục hồi sức khỏe", ông K. tâm sự.

Theo BHXH tỉnh Đắk Lắk, 4 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn có 5 trường hợp được nhận trợ cấp BHTNLĐ. Trong đó, 2 trường hợp hưởng trợ cấp hàng tháng và 3 trường hợp nhận trợ cấp một lần.

Theo các đơn vị BHXH, có nhiều trường hợp người lao động bị thiệt thòi quyền lợi khi bị tai nạn nhưng lại không được chi trả chế độ bảo hiểm. Nguyên nhân là chủ sử dụng lao động chây ỳ hoặc không đóng bảo hiểm cho người lao động.

Bàn về vấn đề này, ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đắk Nông cho hay, tỉnh Đắk Nông đang thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, hoạt động ở địa phương. Dự báo trong thời gian tới sẽ phát sinh nhiều quan hệ lao động.

“Đơn vị sẽ thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan như BHXH, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Liên đoàn Lao động... tổ chức tuyên truyền về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường kiểm tra, giám sát các ngành, nghề tập trung đông lao động phổ thông, làm việc thời vụ, không có giao kết hợp đồng lao động”, ông Nam nói.

Chính sách hỗ trợ thiết thực

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm đóng vào Quỹ BHTNLĐ&BNN theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ được nhận xét rất thiết thực, giúp người lao động, doanh nghiệp có sự hỗ trợ cần thiết để họ tiếp tục sản xuất, kinh doanh, đủ sức tự đứng vững, vượt qua khó khăn của dịch bệnh, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện nghị quyết, nhiều địa phương trong cả nước đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh… Đây cũng là những địa phương có số doanh nghiệp và người lao động được hỗ trợ giảm đóng lớn.

Tại tỉnh Đồng Nai, địa phương có gần 11.000 doanh nghiệp với hơn 750.000 người lao động thuộc diện hỗ trợ giảm đóng vào Quỹ BHTNLĐ&BNN.

Ngay sau khi có hướng dẫn của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Đồng Nai đã khẩn trương phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai trên địa bàn. BHXH tỉnh cũng thành lập ban chỉ đạo, bám sát các đơn vị sử dụng lao động để tư vấn, hướng dẫn thực hiện rà soát thống kê số doanh nghiệp đủ điều kiện hỗ trợ.

Tính đến hết năm 2021, BHXH tỉnh Đồng Nai đã giảm mức đóng cho 9.557 đơn vị, tương ứng 708.786 người lao động, số tiền luỹ kế là 154,42 tỷ đồng (100% các doanh nghiệp thuộc đối tượng được hỗ trợ).

Còn tại tỉnh Bắc Ninh, đến ngày 19/7/2021, BHXH tỉnh đã thực hiện xong việc điều chỉnh giảm tiền đóng vào Quỹ BHTNLĐ&BNN đối với 6.606 doanh nghiệp; tổng số tiền tạm tính được giảm mức đóng 12 tháng là hơn 140 tỷ đồng.

Còn tại Quảng Ninh, có gần 6.000 doanh nghiệp được hỗ trợ giảm đóng vào Quỹ BHTNLĐ&BNN, với tổng số tiền tạm tính trong 12 tháng là trên 63 tỷ đồng.

Đến hết năm 2021, BHXH tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện giảm mức đóng BHTNLĐ&BNN cho 5.693 doanh nghiệp, với số tiền gần 35 tỷ đồng.

TP Hồ Chí Minh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, BHXH thành phố đã vào cuộc với sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn. Theo đó, để hỗ trợ kịp thời cho người sử dụng lao động và người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, BHXH thành phố thực hiện điều chỉnh thời gian giải quyết hồ sơ từ 2 ngày và 4 ngày xuống còn 1 ngày làm việc.

Trần Kiên