Mỗi lần làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng là mỗi lần chúng tôi có thêm nhiều tư liệu, nhiều thông tin quý giá về đời sống, kinh tế, lao động sản xuất, văn hóa xã hội của đồng bào các DTTS nơi đây.

Tuần trước, khi thu thập thông tin viết về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống làm việc với ông Dơ Woang Ya Gương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chúng tôi không chỉ được cung cấp về nội dung này mà còn được trao đổi rất nhiều thông tin khác xoay xung quanh cuộc sống của đồng bào các DTTS, đặc biệt là làm ăn kinh tế giỏi của một bộ phận nhân dân vùng DTTS. Nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, gieo trồng, kinh doanh đã thoát nghèo, trở nên khấm khá.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhận được sự chỉ dẫn của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng và thực tế đến nhiều địa phương để tìm hiểu về gương làm ăn giỏi của người DTTS. Chúng tôi rất bất ngờ khi đi đến nơi đâu, địa phương nào của Lâm Đồng cũng gặp các tấm gương làm ăn giỏi, trên các lĩnh vực đời sống của đồng bào các DTTS.

Ở thôn Ða Kao 1, xã Ðạ Tông, huyện Ðam Rông chúng tôi gặp anh Jơ Jê Ha Mi người Cơ Ho làm giàu bằng sản xuất rau sạch. Anh Jơ Jê Ha Mi cho biết, trước kia gia đình anh rất nghèo, cuộc sống khó khăn. Do gia đình anh hàng năm chỉ sản xuất và trông chờ vào mấy sào lúa nước, cà phê, ngô, nên thu nhập rất thấp, bấp bênh. Tuy nhiên, anh Jơ Jê Ha Mi quyết định vay 80 triệu đồng của ngân hàng và người thân, đầu tư cải tạo ruộng vườn, mua vật tư, thiết bị để trồng các loại rau thương phẩm. Vườn rau của anh trên 8.000 m2 đã mang lại nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm, giúp gia đình trở nên khá giả.

Về xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, chúng tôi đến nhà chị Liêng Jrang K’Sáu. Qua trao đổi được biết, trước đây, gia đình chị Liêng Jrang K’Sáu chủ yếu trồng cà phê. Tuy nhiên, năng suất cây cà phê không ổn định nên gia đình đã quyết định chuyển đổi 3.000m2 đất sang trồng các loại cây ngắn ngày. Từ đó tạo được nguồn thu nhập ổn định cuộc sống. Tiếp đến, chị phá thêm 5.000m2 trồng cà phê nữa để chuyển sang trồng rau ngắn ngày và cây dược liệu. Đến nay, từ 8.000m2 đất trồng các loại rau ngắn ngày, cây dược liệu Atiso và 1 ha cà phê, gia đình chị Liêng Jrang K'Sáu thu nhập 100 - 150 triệu đồng/năm. Gia đình chị Liêng Jrang K’Sáu trở nên khấm khá có của ăn của để và giúp đỡ người khác.

Đến xã Liên Đầm, huyện Di Linh , chúng tôi gặp hộ gia đình anh K’Gim dân tộc K’ho ở thôn 05, là hộ chăn nuôi điển hình duy nhất của huyện Di Linh. Hộ gia đình anh K’Gim mạnh dạn đầu tư chuyển sang nuôi bò sữa. Anh K’Gim cho biết, ban đầu phá 2 sào cà phê để trồng cỏ để nuôi bò sữa theo dự án của huyện (giai đoạn 2016 - 2020). Lúc đầu, gia đình chỉ có 50 triệu đồng, anh đã vay vốn thêm từ ngân hàng 180 triệu để mua 04 con bò sữa đang mang thai. Sau 3 năm, đàn bò gia đình anh đã sinh sản được 13 bê con. Gần đây, do đàn bò phát triển tăng số lượng, gia đình anh phá thêm 2,5 sào cà phê trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Hiện nay, anh có 08 bò sữa và hàng chục con bò thịt. Trung bình, mỗi ngày gia đình anh bán được gần 100 kg sữa. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu được hơn 300 ngàn đồng/ngày, tương đương hơn 10 triệu đồng/tháng. Cuộc sống gia đình anh K’Gim trở nên sung túc và khấm khá.

Chúng tôi có mặt tại xã Lát, huyện Lạc Dương gặp chị Cơliêng Rolan dân tộc Cơ Ho. Tại quê hương, chị Cơliêng Rolan đã xây dựng lên thương hiệu "K’Ho Coffee". Chị Cơliêng Rolan đã khởi nghiệp thành công với  hạt cà phê Arabica, đặc sản của núi rừng Langbiang. Chị Cơliêng Rolan nói với chúng tôi rằng, chị rất hạnh phúc khi thương hiệu này mang lại lợi nhuận không nhỏ cho gia đình.

leftcenterrightdel
Nhiều bà con DTTS làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Ảnh: TL 

Tại xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, anh Lơ Mu Ha Pol, chỉ với 2 ha đất, trồng cà phê 1,5 ha, còn lại trồng chuối tiêu, dâu và trồng xen bơ 034, bơ booth, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng. 

Hay tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Ðức Trọng có anh Lưu Lập Ðức người dân tộc Tày với Công ty AGRI Ðức Tiến chuyên cung cấp cho thị trường khoảng 20 tấn nông sản mỗi ngày. Nhờ đó mà nhà anh Đức trở nên sung túc, giàu có.

Xã Bảo Thuận có hộ anh Yang Kar Nhàn ở thôn Kala Krọt. Trước đây chăn nuôi 20 con dê và hơn 200 con gà, gần đây anh phá thêm 03 sào cà phê để trồng cỏ, xây dựng chuồng trại nuôi thỏ. Qua hơn 1 năm chăm sóc, nuôi dưỡng đến nay anh có 50 con thỏ bố mẹ, 300 thỏ thịt. Nhờ nắm vững kiến thức về chăn nuôi nên đàn thỏ của anh phát triển rất nhanh. Lợi nhuận thu riêng về bán thỏ, anh Yang Kar Nhàn được 8 triệu đồng/tháng giúp gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định, góp phần vào xoá đói giảm nghèo.

Hoặc thôn Kao Kuil, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh có gia đình ông K’Brel. Do biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nên cây trồng của gia đình ông rất phát triển và cho năng suất cao. Chỉ với 2 ha cà phê (trong đó có một số diện tích chưa cho quả), nhưng sản lượng bình quân đạt khoảng 6 tấn cà phê nhân/năm. Bên cạnh đó, gia đình ông cấy 8 sào lúa, cho thu hoạch khoảng 3,5 tấn thóc/vụ cùng chăn nuôi bò sữa và các loại gia súc, gia cầm khác nữa. Mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng, nên gia đình ông K’Brel là một trong những hộ khá giả ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh….

Ngoài ra, còn rất nhiều gương mặt bà con DTTS làm ăn giỏi, họ là những tấm gương làm kinh tế giỏi, cần cù, chịu khó, sáng tạo, đầy hiệu quả của bà con đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng.

Trần - Thanh