PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009. Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh/thành phố tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.

Báo cáo PAPI 2021 cung cấp kết quả chi tiết về hiệu quả hoạt động của các tỉnh, thành phố với 8 chỉ số nội dung, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ số PAPI năm 2021 của Vĩnh Phúc đạt 42,81/80 điểm, xếp vào nhóm có điểm số trung bình cao.

Trong đó, 3 chỉ số nội dung xếp vào nhóm có điểm số cao nhất, gồm: Thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công đạt và quản trị điện tử 3,34/10 điểm. Hai chỉ số xếp vào nhóm có điểm số trung bình cao, gồm: Công khai minh bạch (5,19/10 điểm) và trách nhiệm giải trình với người dân (4,42/10 điểm).

Chỉ số về sự tham gia người dân ở cấp cơ sở được xếp vào nhóm có điểm số trung bình thấp. 2 chỉ số xếp vào nhóm có điểm số thấp nhất, gồm: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và quản trị môi trường.

Ông Phan Thế Huy, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc quyết tâm khắc phục những chỉ số nội dung thuộc nhóm có điểm số trung bình thấp và thấp nhất, vươn lên thuộc nhóm có điểm số cao nhất, phấn đấu thuộc top 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.

Vì thế, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt hàng loạt giải pháp. Trong đó phải đẩy mạnh các hoạt động có sự tham gia rộng rãi của người dân, đặc biệt ở cấp cơ sở như: Tạo cơ hội tham gia bầu cử bình đẳng; tiếp thu các ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri; tạo điều kiện cho nhân dân được biết, được bàn, được tham gia thực hiện, để người dân nói lên nguyện vọng.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng của các sở, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh.

"Công khai rộng rãi kết quả xử lý, báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng hàng năm của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị phụ trách. Có chính sách và cơ chế bảo vệ người dân khi thực hiện việc tố cáo hành vi tham nhũng", UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ.

Về công tác bảo vệ môi trường, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu đưa ra các giải pháp, biện pháp xử lý về bảo vệ môi trường ở địa phương; phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, phục vụ nhu cầu cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng yêu cầu đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là việc giải đáp các khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân. Kịp thời phát hiện và khắc phục các điểm yếu kém trong công tác quản lý để chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan, đơn vị, địa phương với người dân.

Q. Đông