Cứ 3 năm rưỡi nhập, 3 năm rưỡi tách

Theo báo cáo tổng kết thí điểm của Chính phủ, trong 12 địa phương thực hiện, có 11 địa phương hợp nhất 3 văn phòng thành Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND (văn phòng chung). Riêng TP Hồ Chí Minh thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với HĐND TP.

Đánh giá chung, Chính phủ cho rằng, phương án thí điểm đã giảm tối đa đầu mối tổ chức văn phòng, số lượng tổ chức bên trong của văn phòng, số lượng lãnh đạo quản lý…

Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận việc này khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác tham mưu, giúp việc đồng thời cho 2 hệ thống cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp.

Bên cạnh đó, việc hợp nhất còn mang tính cơ học, chỉ giảm đầu mối người đứng đầu, chưa giảm được cấp phó và công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng. Sau khi hợp nhất, chánh văn phòng phải đảm nhận khối lượng lớn công việc nên công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai công việc gặp khó khăn…

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Chính phủ làm rõ cơ sở pháp lý của việc thí điểm mô hình hợp nhất 2 văn phòng ở TP Hồ Chí Minh và các căn cứ để xác định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và các cấp ủy Đảng, chính quyền ở các địa phương thực hiện thí điểm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương thí điểm của Trung ương…

Đáng chú ý, ông Tùng cho biết, theo phản ánh của các ĐBQH, bộ máy giúp việc cho đoàn ĐBQH luôn trong tình trạng nhập rồi lại tách, tách rồi lại nhập, không ổn định, gây tâm tư và ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động.

leftcenterrightdel
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: TN 
 

Vì vậy, Uỷ ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần tổng kết kỹ lưỡng cả về cơ sở lý luận và thực tiễn cũng như quá trình tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc các đoàn ĐBQH để đề xuất được mô hình bộ máy giúp việc phù hợp, khoa học, hiệu quả, bảo đảm tính ổn định, lâu dài.

“Tính từ năm 1976 đến nay, bình quân cứ 3 năm rưỡi nhập, 3 năm rưỡi tách, cứ theo biểu đồ hình sin như thế. Cứ khi cần chuyên môn hoá, cần sâu thì tách ra, nhưng khi cần giảm biên chế, giảm bộ máy lại nhập vào”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu sau đó.

Đạt kết quả thấp thì nên trở lại như cũ

Theo ông Phúc, cần sớm xây dựng đề án hợp nhất 2 văn phòng trong năm nay, không chờ đến khi Luật Tổ chức Quốc hội có hiệu lực (dự kiến tháng 7/2021).

“Anh em ở dưới trông chờ lắm rồi vì không biết đi đâu, về đâu. Bổ nhiệm cán bộ bây giờ cũng vướng. Đại hội Đảng các cấp ở địa phương đến nơi rồi”, ông Phúc nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, văn phòng đoàn ĐBQH tồn tại ngót 20 năm. Do vậy, việc sáp nhập các văn phòng cần phải cân nhắc cả về mặt lý luận và thực tiễn.

"Trên thế giới, mỗi ĐBQH, thượng nghị sĩ Mỹ có văn phòng riêng với nhiều người giúp việc. Ta không so sánh được nhưng ít nhất mỗi đoàn phải có văn phòng chứ", ông Hiển nói và đề nghị trước mắt “nếu đành phải chấp nhận” thì nhập 2 văn phòng của cơ quan dân cử, còn tách văn phòng UBND ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho hay, qua tham dự hội nghị của hầu hết các tỉnh thực hiện thí điểm, bà thấy các địa phương này đều không đồng tình với việc hợp nhất. "Kể cả tỉnh xung phong làm thí điểm là Bắc Kạn cũng phàn nàn, cũng kêu”, bà Phóng nói.

Theo bà Phóng, sau khi kết thúc thí điểm, yêu cầu đặt ra đạt kết quả thấp thì nên trở lại như cũ. "Bản thân tôi không đồng tình sáp nhập 2 văn phòng Đoàn ĐBQH với HĐND”, bà Phóng nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị báo cáo của Chính phủ cần đánh giá, kiểm điểm việc tại sao để TP Hồ Chí Minh không thực hiện Nghị quyết 580 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mà bây giờ lại nói thành hình mẫu của cả nước.

Đối với văn phòng chung tại 11 địa phương có cơ cấu tổ chức số phòng khác nhau dao động từ 6 - 11 phòng và tinh gọn được 27 đơn vị cấp phòng so với trước khi thực hiện thí điểm hợp nhất. TP Hồ Chí Minh sau khi hợp nhất có cơ cấu tổ chức là 3 phòng, tăng 1 phòng so với trước.

Các địa phương thí điểm giảm 14 công chức hành chính và 18 viên chức sự nghiệp so với trước.

Văn phòng chung có chánh văn phòng, 4 phó chánh văn phòng (3 cấp phó phụ trách theo từng mảng công tác của 3 văn phòng trước đây và 1 cấp phó phụ trách quản trị nội bộ).

Đến hết năm 2019 giảm 23 chánh văn phòngvà 3 phó chánh văn phòng, còn 6 địa phương có số lượng cấp phó nhiều hơn quy định.

Ngoài ra, số lượng chức danh lãnh đạo, quản lý tổ chức, đơn vị thuộc văn phòng đã giảm được 26 cấp trưởng và 1 cấp phó.

Hương Giang