Nhận thức rõ vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, góp phần bảo đảm công tác an sinh xã hội của địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi, huyện nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giai đoạn 2016 - 2020 doanh số cho vay trong của NHCSXH trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt 5.700,2 tỷ đồng, với trên 170,08 ngàn lượt hộ được vay vốn.

Doanh số thu nợ trong giai đoạn đạt 4.392,3 tỷ đồng; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn đến 30/11/2020 đạt 4.041,3 tỷ đồng, với trên 96,23 ngàn khách hàng còn dư nợ, tăng 1.300,7 tỷ đồng so với đầu năm 2016. Trong đó, tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, doanh số cho vay đạt 3.343,5 tỷ đồng, với trên 101,7 ngàn lượt khách hàng được vay vốn, dư nợ thời điểm 30/11/2020 đạt 2.310 tỷ đồng, với gần 53,4 ngàn hộ còn dư nợ.

Trong giai đoạn 2016 - 2020 nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp gần 131,6 ngàn lượt hộ vay vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm ngàn lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; giúp 3.367 lao động vay vốn tạo việc làm; giúp 477 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn theo học; giúp 1.405 lao động vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngooài; giúp xây dựng 32.153 công trình nước sạch, 31.167 công trình vệ sinh hợp tiêu chuẩn; giúp gần 3.412 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc NHCSXH tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong những năm qua, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH và Ban Giám đốc NHCSXH tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn các huyện miền núi, với tất cả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, các đối tượng thụ hưởng.

Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên, vốn vay đã phát huy hiệu quả, dư nợ quá hạn giảm cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với tổng dư nợ, các mặt hoạt động đã đi vào nề nếp, đảm bảo quy định hiện hành.

Đến 30/11/2020, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh của 11 huyện miền núi còn 6,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,16%, giảm 2,83 tỷ đồng so với đầu năm 2016. Trong đó, nợ quá hạn còn 4,04 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,1%, giảm 2,99 tỷ đồng; nợ khoanh 2,45 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,06%; có 82/175 đơn vị cấp xã không có nợ quá hạn (chiếm 46,86%).

Công tác kiểm tra giám sát trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội được triển khai đồng bộ và toàn diện. Hàng năm, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác các cấp và NHCSXH đã xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra giám sát hàng năm, có chia ra tháng, quý để tổ chức thực hiện. Phân công thành viên đi kiểm tra cơ sở, mặt khác nhiều đoàn công tác của các ban, ngành Trung ương, hội sở chính NHCSXH về Thanh Hóa thực hiện công tác kiểm tra giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Hàng năm 100% thành viên Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh và các huyện đi kiểm tra tại cơ sở, nắm bắt tình hình vay vốn của người dân; công tác bình xét cho vay và thực trạng quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách tại các thôn xóm, làng bản, khu phố; các phòng giao dịch cũng đã tham mưu giúp việc cho thành viên ban đại diện cùng cấp thực hiện kiểm tra cơ sở đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Cùng với công tác kiểm tra toàn diện, NHCSXH cũng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra chuyên đề, nhiều đoàn công tác để kiểm tra đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, kết quả kiện toàn, củng cố nâng cao chất lượng trên các lĩnh vực công tác.

Công tác lồng ghép, phối hợp giữa việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng CSXH với việc thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh được các địa phương quan tâm chỉ đạo và phối hợp thực hiện tốt qua các năm qua.

Chủ tịch UBND xã, thành viên Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH huyện đã phát huy tốt vai trò trong quản lý nguồn vốn và hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, đem lại hiệu quả thiết thực.

Công tác bình xét cho vay, giám sát việc sử dụng vốn vay của hộ; việc giải quyết các khó khăn vướng mắc tại các thôn, bản, tổ dân phố, các đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách được thực hiện kịp thời; nguồn vốn cho vay đã đáp ứng tốt trong việc thực hiện các chương trình, mục tiêu của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Tạo sự kết hợp kịp thời giữa nguồn vốn tín dụng chính sách với việc triển khai các chương trình khuyến nông, khuyến lâm tại địa phương; nguồn vốn tín dụng chính sách mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên môn hóa, đạt giá trị cao, phát huy lợi thế của địa phương.

Ngoài ra, thông qua công tác ủy thác giữa NHCSXH với các tổ chức hội đoàn thể công tác phối hợp giữa việc giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách với triển khai thực hiện chương trình khuyến nông, khuyến lâm và áp dụng các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả cao được thực hiện kịp thời.

Với địa bàn 11 huyện miền núi, việc triển khai thực hiện các mục tiêu, chương trình gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với đội ngũ cán bộ hội đoàn thể, cán bộ ban quản lý tổ tiết kiệm vay vốn trải rộng khắp rộng 100% thôn, bản, tổ dân phố là những hạt nhân đi đầu trong công tác phát triển kinh tế và sử dụng vốn đạt hiệu quả cho nên nguồn vốn tín dụng được triển khai kịp thời, hiệu quả đến toàn thể hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Kết quả, tác động của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở 11 huyện miền núi. Qua triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thêm thu nhập cho nhân dân. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư vào sản xuất chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ mang lại hiệu quả thiết thực, ưu tiên cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, các xã xây dựng nông thôn mới.

Từ năm 2016 đến tháng 11/2020 đã giải ngân cho vay hàng ngàn lượt hộ, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm ngàn lao động, nhất là đồng bào DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đặc biệt, trong gần 5 năm qua, NHCSXH đã giải ngân trên 1,58 ngàn lượt hộ đồng bào DTTS vay vốn để đầu tư vào sản xuất chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Đối với chương trình vay vốn cho lao động đi làm việc ở nước ngoài, người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người DTTS, là thân nhân của người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất và người lao động thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Từ năm 2016 đến tháng 11/2020 đã thực hiện cho vay trên 1,01 ngàn lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài.

Chương trình cho vay đối với học sinh sinh viên, nhiều đối tượng là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được vay vốn; hơn 25,67 ngàn lượt hộ vay vốn để xây trên 26,63 ngàn công trình nước sạch và gần 25,71 ngàn công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn.

Chương trình cho vay nhà ở, giải ngân cho hộ nghèo vay vốn xây nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg và xây chòi tránh lũ theo Quyết định số 716/2012/QĐ-TTg xây được trên 4,92 ngàn căn nhà; hỗ trợ cho 46 hộ vay vốn xây mới nhà để ở hoặc mua nhà ở xã hội.

Hầu hết, nguồn vốn cho vay đúng đối tượng thụ hưởng đã góp phần tích cực, có hiệu quả vào mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Với cơ chế, thủ tục cho vay thuận lợi, nhanh gọn, đến tận cơ sở đã giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác kịp thời có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng người nghèo và các đối tượng chính sách thiếu vốn phát triển kinh tế, phải vay nặng lãi.

Thông qua hoạt động tín dụng chính sách của hệ thống NHCSXH, trong những năm qua đã làm thay đổi nhận thức của một bộ phận người nghèo, cận nghèo, đặc biệt là đồng bào DTTS. Hộ vay biết sử dụng vốn vào sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng miền; giảm tỷ lệ thất nghiệp; góp phần thực hiện các các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc ổn định đời sống và phát triển kinh tế địa phương.

Văn Thanh