Tham dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải.

Thực hiện “nhiệm vụ kép”

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Ngay từ đầu năm, thành phố đã chủ động đẩy nhanh các giải pháp thực hiện chủ đề năm 2021: “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, với mục tiêu tổng quan là tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe toàn dân - vừa phục hồi và phát triển kinh tế.

Trong 5 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận những tín hiệu khởi sắc về kinh tế như: Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt khoảng hơn 456 ngàn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 4,9%); thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,4%); dịch vụ lưu trú và ăn uống có dấu hiệu phục hồi, tăng 30,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 47,5%); kim ngạch xuất khẩu đạt 19,63 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,3%), Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 174 ngàn tỷ đồng, đạt 47,85% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, ngay khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ ngày 27/4, tại thành phố xuất hiện các chùm ca lây nhiễm với tổng số 461 trường hợp mắc bệnh, trong đó nghiêm trọng nhất là chùm ca nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, với tổng cộng 404 trường hợp dương tính liên quan đến ổ dịch này. Dù không mong muốn, nhưng thành phố đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn thành phố và theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 từ 00 giờ ngày 31/5/2021.

leftcenterrightdel
   Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tham dự hội nghị. Ảnh: Trung tâm Báo chí TP. HCM 

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung lòng của người dân, đến nay, thành phố cơ bản đã kiểm soát được đợt lây nhiễm thứ 4; nhưng với tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thành phố nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đã bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có 1.365 DN báo cáo gặp khó khăn do dịch Covid-19, với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc; 410 DN có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân. Có 2.274 DN hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 4,99% so với cùng kỳ); có 9.308 DN tạm ngưng hoạt động (tăng 22,99% so với cùng kỳ)...

Kiến nghị tiêm vaccine cho người lao động.

Trước thực tế đó, về phía Hiệp hội DN TP đề nghị lãnh đạo TP. HCM kiến nghị Chính phủ có cơ chế, kế hoạch và lộ trình thật cụ thể về Chương trình Tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 cho công nhân, người lao động, nhất là tại các khu cụm công nghiệp, các DN sản xuất ngành trọng yếu của TP. HCM - nơi có nguy cơ cao và là huyết mạch sống còn của nền kinh tế, an sinh xã hội.

Đồng thời, tạo điều kiện và hướng dẫn các DN có điều kiện có thể chủ động sớm mua vaccine tiêm phòng cho công nhân của mình.

Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho các nhà máy sản xuất các mặt hàng thiết yếu, ngoài lực lượng của DN, rất cần Nhà nước hỗ trợ thêm về các vấn đề liên quan đến y tế, vệ sinh, phun khử khuẩn...

Triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP; các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành cần khắc phục các rào cản mà lần hỗ trợ thứ nhất các DN gặp phải.

TP. HCM sớm ban hành gói hỗ trợ riêng của TP, quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm các yếu tố chi phí sản xuất cho DN (tiền điện, chi phí vận chuyển, phí giao thông, cảng biển), chăm lo công tác an sinh xã hội cho công nhân mất việc, phải ngừng nghỉ chờ việc theo cách của TP. HCM.

Hỗ trợ các DN phải bố trí nhà ở, khu lưu trú tạm cho công nhân để duy trì sản xuất do chấp hành các quy định cách ly xã hội; Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề do mất hay thay đổi việc làm, nâng cao tay nghề để có thể tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi sản xuất…

Mặt khác, TP. HCM cần ban hành gói hỗ trợ riêng đặc thù cho các DN bị ảnh hưởng nặng nề, phải ngừng sản xuất kinh doanh như ngành Du lịch, dịch vụ.

Về phía ngân hàng tiếp tục xem xét, nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi (thấp hơn) giúp cho DN sản xuất bớt khó khăn; Khuyến khích ngân hàng cho vay bằng hình thức tín chấp đối với một số ngành khó khăn do dịch bệnh; Khuyến khích cho vay đầu tư trang thiết bị y tế, hạ tầng y tế, nghiên cứu vaccine, cơ sở điều trị; Ngân hàng đồng hành với DN hỗ trợ vốn mua nguyên vật liệu dự trữ cho sản xuất và xuất khẩu. 

Để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho DN nội, nhất là những DN sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm cho rằng, khó khăn nhất của ngành là thiếu nguyên liệu sản xuất, giá thành một số nguyên liệu nhập khẩu tăng vài chục phần trăm. Bên cạnh đó, DN đang phải gánh chi phí cho vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tăng cao gấp 2 - 3 lần so với điều kiện sản xuất bình thường.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tham dự hội nghị. Ảnh: Trung tâm Báo chí TP. HCM 

Qua hội nghị, lãnh đạo TP nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, lắng nghe những đề xuất, hiến kế nhằm giúp TP có thể xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời để góp sức cùng cộng đồng DN vượt qua khó khăn trước mắt.

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo TP Thủ Đức và các quận, huyện hết sức quan tâm, lắng nghe ý kiến của các DN và các đại biểu để có đề xuất, tham mưu cho UBND TP những chính sách, giải pháp thiết thực, hiệu quả, kịp thời; đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng DN đã và đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nghiêm Lan