Đây là mục tiêu hoàn toàn có cơ sở khoa học, bởi môi trường kinh doanh Việt Nam liên tục được cải thiện, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng với hàng triệu hộ kinh doanh có đủ điều kiện nâng lên thành DN… Đặc biệt, với tinh thần “quốc gia khởi nghiệp” đang là động lực để DN khởi nghiệp phát triển.

Cùng với việc kiện toàn hệ thống chính sách, nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã được triển khai mạnh mẽ ở các cấp, các ngành góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp.

Nhiều cộng đồng khởi nghiệp lớn dần hình thành, hoạt động hiệu quả như: Starthub.vn, Twenty.vn, Startup. vn và Launch. Một số đơn vị ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp hình thành trong khu vực tư nhân như: Topica Founder Insititute, 5 Desire, Hatch!Program và khu vực công lập như vườn ươm đã được thành lập trong Đại học Bách khoa Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm DN chế biến thực phẩm Hà Nội, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh…

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong giai đoạn 2016 - 2019, mỗi năm Việt Nam có trên 126.000 DN thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Việt Nam hiện có khoảng trên 3.000 DN khởi nghiệp. Theo đánh giá của Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia, Việt Nam đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng các DN khởi nghiệp, top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu. Thống kê của Tạp chí Echelon (Singapore) Việt Nam hiện có trên 3.000 DN khởi nghiệp sáng tạo; khoảng gần 50 cơ sở ươm tạo khởi nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên cả nước; có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam.

Mặc dù, tinh thần khởi nghiệp được xếp vào nhóm cao trên thế giới, nhưng Việt Nam lại nằm trong số 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất, chỉ có khoảng 3% được gọi là thành công. Như vậy, khoảng cách giữa khát vọng, ý chí và hành động cụ thể là quá lớn. Cần nhiều hơn sự hỗ trợ của thể chế, chính sách để tiến gần hơn tới các khát vọng, hành động.

Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra vào cuối năm 2019 tại cuộc hội thảo “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp”, Việt Nam chưa đến 10% DN khởi nghiệp thành công. Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ thành công của DN khởi nghiệp thấp.

Hạn chế về vốn và cơ chế chính sách liên quan đến huy động vốn là một trong những nguyên nhân quan trọng. Các dự án khởi nghiệp thường được bắt đầu bằng nguồn vốn tự có hạn hẹp của các thành viên sáng lập, trong khi khả năng vay vốn ngân hàng hoặc kêu gọi các quỹ đầu tư lại rất thấp. Mặc dù, có khá nhiều kênh tài chính khác nhau nhưng thực tế, người khởi nghiệp gặp khó khăn khi thiếu vốn vẫn rất phổ biến. Thực tế cộng đồng DN khởi nghiệp hiện nay mong muốn có những pháp chế, định chế thực sự cụ thể hơn trong câu chuyện về gọi vốn, giúp các DN khởi nghiệp có thể tiếp cận được và dễ dàng đón nhận vốn của các nhà đầu tư. Cụ thể là Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018, của Chính phủ về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, quy định về gọi vốn chưa thực sự rõ ràng. Trong khi, yếu tố DN quan tâm nhất lại rất khó thực thi đó chính là yếu tố lập quỹ, mặc dù Nghị định  có đề cập đến. Nghị định 38 cho phép các nhà đầu tư hùn vốn lại với nhau để thành lập quỹ mạo hiểm cho các DN khởi nghiệp nhưng lại không cho thành lập pháp nhân mà phải tự thỏa thuận để có một ai đó cầm đồng tiền này đi đầu tư. Quy định này chết từ trong trứng nước vì phụ thuộc vào yếu tố con người…

Bên cạnh đó, nhiều chủ DN cho rằng, cơ chế chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp mới hỗ trợ vòng ngoài là nhiều. Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, hơn 60% DN được khảo sát yếu trong khâu tìm kiếm khách hàng, 42% DN phá sản do vấn đề sản phẩm (tạo ra các sản phẩm mà thị trường không cần); 29% DN khởi nghiệp chạy được một thời gian thì hết vốn…

Hiện nay, các quy định, cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đã và đang ngày càng được hoàn thiện, nhưng nhiều nội dung cần hướng dẫn cụ thể vẫn chưa có dẫn đến tình trạng khó triển khai các quy định và chính sách trên thực tế. Hệ thống thể chế về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp hiện đang vẫn thiếu khung pháp lý với các quy định phù hợp cho các loại hình kinh doanh mới này. Đây là rào cản lớn khiến các DN khởi nghiệp Việt Nam khó tiếp cận vốn và hoạt động. DN rất cần  định chế và hàng lang pháp lý để DN khởi nghiệp có được lối đi tốt hơn.

Ông Trần Quí Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, khởi nghiệp kinh doanh đương nhiên có người thất bại, nếu không thì ai cũng trở thành doanh nhân thành đạt. Người thất bại nhiều, nhưng lên tới 90% là không bình thường.

Giống như trong hồ cá, đương nhiên có nhiều con yếu bị chết, nhưng có tới 90% số cá trong hồ chết thì chắc chắc môi trường nước bị ô nhiễm.

Chúng ta thẳng thắn nhìn nhận, môi trường kinh doanh hiện nay chưa tốt, còn những thứ ô nhiễm làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ doanh nghiệp.

Chính phủ kêu gọi cải cách hành chính để hỗ trợ DN, nhưng kết quả vẫn không được như mong muốn. Đừng nói chi xa, mới đây thôi, gói hỗ trợ 62 ngàn tỉ đồng không đến được tay DN kịp thời là vì rào cản thủ tục hành chính.

Hãy tạo ra môi trường khởi nghiệp trong lành bằng một hệ sinh thái đủ sức dưỡng nuôi cho DN trưởng thành. Nếu không thì phong trào khởi nghiệp mãi mãi chỉ là phong trào vui vẻ chóng qua mà thôi.

T.Vân