Gần 8 triệu lao động bị mất việc làm, nghỉ luân phiên, giãn việc do dịch bệnh

Báo cáo tại Hội nghị "Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của đại dịch COVID-19" do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức chiều 29/6, đại diện Cục Việc làm cho biết, theo tính toán sơ bộ và báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 6/2020 cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỉ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng, tương ứng với 17,6 triệu người, gần 8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), riêng trong quý I/2020 có 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, con số kỷ lục sau hàng thập kỷ. Có tới 75% doanh nghiêp phải thu hẹp quy mô lao động và có gần 10% doanh nghiệp phải giảm một nửa quy mô lao động.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, lực lượng lao động thấp kỷ lục, lao động có việc làm có mức giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua; tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.

Trong khi số lao động mất việc làm liên tục gia tăng thì kết quả giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm rất thấp, ước tính giải quyết việc làm cho 540.000 lao động, đạt 36,5% kế hoạch đặt ra.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngày 9/4, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Ngày 24/4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, các giải pháp phần lớn mới tập trung hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với các doanh nghiệp mặc dù đã có các chính sách như vay vốn để trả lương ngừng việc; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất... nhưng chưa thực sự hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh, nhờ quyết liệt phòng chống dịch ngay từ giai đoạn đầu, xác định bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, Chính phủ xác định sẵn sàng hi sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn, vì vậy đã cơ bản khống chế được đại dịch trên lãnh thổ Việt Nam từ rất sớm.

Hiện nay, Chính phủ xác định phát triển kinh tế trong tình hình "bình thường mới", thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, hiện nay tình hình dịch bệnh ở các nước trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp, người lao động vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, tại hội nghị lần này, Bộ LĐTB&XH mong nhận được những ý kiến, chia sẻ của doanh nghiệp để có cơ sở trao đổi, kiến nghị trong phiên họp của Chính phủ sắp tới sẽ tiếp tục bàn giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ mạnh hơn cho doanh nghiệp