Gắn thi đua với nhiệm vụ chuyên môn

Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Giang cho biết, nhiều năm nay, ngành Thanh tra tỉnh luôn xác định công tác thi đua, khen thưởng là động lực quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Vì vậy, cấp uỷ chi bộ, lãnh đạo Thanh tra tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, quán triệt triển khai đến từng cán bộ công chức, viên chức và người lao động các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác thi đua, khen thưởng.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, những năm qua, ngành Thanh tra tỉnh chú trọng xây dựng kế hoạch hàng năm bám sát vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Gắn phong trào thi đua với việc thực hiện quy định về tiêu chí, cách đánh giá, xếp loại trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thi hành công vụ và các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, của địa phương, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, phong trào thi đua của ngành Thanh tra cũng được gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với nội dung tiếp tục đổi mới phương pháp, phong cách làm việc của từng cán bộ, thanh tra viên, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra có phẩm chất chính trị tốt, nghiệp vụ chuyên môn giỏi, trung thực, năng động, sáng tạo trong công tác, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hàng năm, Thanh tra tỉnh đều đăng ký và tham gia ký kết giao ước thi đua với các cơ quan thuộc Khối Nội chính của tỉnh, với thanh tra các tỉnh miền núi phía Bắc thuộc Cụm Thi đua số 5 của Thanh tra Chính phủ, đồng thời triển khai việc đăng ký thi đua tới thanh tra các huyện, thành phố, sở, ngành.

Đáng chú ý, ngành Thanh tra tỉnh Bắc Giang chú trọng việc kết hợp kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn với kiểm tra công tác thi đua, đồng thời động viên cán bộ, công chức, người lao động hăng hái thi đua lao động sáng tạo, không ngừng cải tiến phương pháp thanh tra, kiểm tra nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hoàn thành khối lượng lớn công việc

Nhờ thực hiện tốt phong trào thi đua gắn với thực hiện công tác chuyên môn, số liệu thống kê 5 năm qua cho thấy khối lượng công việc của ngành Thanh tra tỉnh hoàn thành là rất lớn. Cụ thể, toàn tỉnh đã tiếp 33.249 lượt người đến khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh 23.501 vụ việc. Tổng số đơn đã tiếp nhận trên địa bàn là 30.580 đơn. Sau khi phân loại, xử lý có 12.721 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, các ngành. Cơ quan chức năng đã xem xét giải quyết xong 11.578 đơn, đạt tỷ lệ 91%.

Qua giải quyết khiếu nại tố cáo, cơ quan Nhà nước đã thu hồi 1.430 triệu đồng và 193.991m2 đất, trả lại cho công dân 1.308 triệu đồng và 2.954m2 đất; xử lý hành chính 171 cá nhân có sai phạm; chuyển hồ sơ tới cơ quan Công an điều tra 9 vụ việc với 13 đối tượng sai phạm. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng tập trung rà soát, chỉ đạo giải quyết 95 vụ việc đông người, phức tạp kéo dài. Đến nay, 85 vụ việc đã được giải quyết xong.

Toàn ngành Thanh tra tỉnh đã triển khai 573 cuộc thanh tra hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế tại 1.675 đơn vị. 3.135 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được triển khai đối với 10.243 tổ chức, cá nhân.

Ngành Thanh tra tỉnh đã phát hiện 190.082 triệu đồng, 4.255ha đất các loại vi phạm; yêu cầu thu hồi về ngân sách Nhà nước 85.932 triệu đồng, giảm trừ quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý bằng các biện pháp tài chính khác 104.150 triệu đồng; xử lý thu hồi 22,58ha đất các loại. Kiến nghị xử lý hành chính đối với 86 tập thể, 1.087 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 20 vụ việc có sai phạm. Kiến nghị và ban hành 4.735 quyết định xử phạt hành chính với số tiền xử phạt 33.036 triệu đồng.

Bên cạnh đó, ngành Thanh tra tỉnh đã chủ động tham mưu ban hành nhiều văn bản về công khai, minh bạch hoạt động cơ quan, tổ chức đơn vị, minh bạch tài sản thu nhập, xây dựng quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác để phòng, chống tham nhũng...

Bài học kinh nghiệm

Chia sẻ về những kinh nghiệm rút ra trong công tác thi đua trong những năm qua, Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Giang Trương Văn Nam cho biết:
Một là, phải có nhận thức đúng về vai trò công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay, thi đua phải xuất phát từ lợi ích tập thể và lợi ích người lao động. Thi đua để giúp nhau cùng tiến bộ, do đó phải luôn phối hợp chặt chẽ, lồng ghép các phong trào thi đua với việc thực hiện nhiệm vụ cơ quan, đơn vị, đặc biệt vai trò người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan đơn vị là người chịu trách nhiệm tổ chức phong trào thi đua. Thực tế cho thấy nơi nào thực hiện tốt cơ chế này nơi đó các phong trào thi đua đạt hiệu quả cao, nội bộ đoàn kết tốt.

Hai là, phong trào thi đua chỉ đạt hiệu quả cao khi nội dung và mục tiêu thi đua phải cụ thể, sát với yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với thực tế của từng đơn vị và từng lĩnh vực công tác. Phải có đăng ký chỉ tiêu thi đua hằng năm để thể hiện sự quyết tâm. Quyết tâm đó chỉ thành hiện thực khi được phân công theo dõi, có đánh giá sơ kết, tổng kết từng đợt thi đua, chỉ ra những mặt mạnh cần phát huy, những mặt tồn tại yếu kém cần được khắc phục, chấn chỉnh kịp thời.

Ba là, thi đua là nhằm động viên về tinh thần, nâng cao ý chí phấn đấu của mỗi cá nhân, của từng đơn vị luôn nỗ lực lao động, sáng tạo, vượt khó khăn để không ngừng vươn lên đạt thành tích cao hơn vì sự nghiệp chung. Do vậy, coi trọng việc tổ chức đăng ký giao ước thi đua và có thang điểm chấm điểm thi đua hằng năm là điều kiện đánh giá kết quả phong trào thi đua, đồng thời nhắc nhở kịp thời các biểu hiện sa sút.

Hoàng Long