Chiến lược để đảm bảo sản xuất

Theo khảo sát sơ bộ của Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) với 100 DN hội viên, hiện có 29 DN tạm ngưng hoạt động và 71 DN đang thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn, nghỉ tại cùng một địa điểm); trong đó, có 8 DN đã xuất hiện ca F0 trong nhà máy. Trước thực trạng này, việc có chiến lược tổ chức sản xuất an toàn với DN là hết sức cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần gỗ Minh Dương cho biết, DN có khoảng 1.500 công nhân. Khi tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, lúc đầu chỉ có chưa tới 10% công nhân đồng ý, sau tuyên truyền mới có khoảng từ 40-50% công nhân đồng ý. Trước tình thế đó, DN phải có chiến lược, ưu tiên chọn khách hàng có đơn hàng cần phải thực hiện trước và những nhà cung ứng cho khách hàng đó để chủ động tổ chức phương án sản xuất hợp lý.

Giám đốc Công ty tư vấn Hạnh Gia, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất tinh gọn ngành gỗ tỉnh Bình Dương (LSS), Ủy viên Ban chấp hành BIFA, ông Lê Phước Vân chia sẻ, duy trì sản xuất trong giai đoạn này không đơn giản. Đặc biệt trong những ngày đầu thực hiện “3 tại chỗ” DN rất dễ bị tổn thương. Vì có những trường hợp ủ bệnh chưa phát hiện được ngay qua xét nghiệm nhanh. Do đó, mỗi DN phải tập trung nâng cao nguồn lực để kiểm soát các nguy cơ; tổ chức diễn tập ngay trường hợp phát hiện có F0 trong DN để chủ động ứng phó, trấn an tinh thần công nhân kịp thời.

Tại Cà Mau, đại diện Công ty cổ phần Chế biến Dịch vụ Thủy sản Cà Mau cho biết, vừa qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Cà Mau đã đến kiểm tra và ghi nhận những nỗ lực của DN để đảm bảo duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”  và  “1 cung đường, 2 điểm đến” (ăn, ở và sản xuất tại 2 địa điểm nhưng tổ chức đưa đón công nhân trên 1 cung đường). Công ty có gần 1.500 công nhân, cũng đã phải tổ chức nơi ăn, ở tại chỗ cho số công nhân thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”, còn lại được công ty thuê khách sạn để làm chỗ ở theo phương án “1 cung đường 2 điểm đến”. Giờ ăn của các công nhân được bố trí theo phương án giãn cách, không tập trung nhiều người cùng một thời điểm để đảm bảo yêu cầu phòng dịch.

Đề xuất nhiều vấn đề thiết yếu

Nỗ lực vượt qua giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, đại diện các DN đã và đang có những đề xuất, kiến nghị gửi Chính phủ, các đơn vị chức năng mong muốn có thêm giải pháp, sức mạnh để duy trì sản xuất.

Nêu tình huống cụ thể nếu trong trường hợp tại DN xuất hiện ca F0, liên lạc chính quyền không được do quá tải xử lý, DN phải làm gì, ông Lê Phước Vân kiến nghị, các cơ quan chức năng cần có sự phân công rõ hơn. Ví dụ, một cơ quan chỉ công bố 2 điện thoại mà mấy chục nghìn DN điện thoại thì rất khó. Vì thế, nên phân ra công ty này sẽ liên lạc theo số điện thoại nào và tên cá nhân nào thật rõ ràng để việc liên hệ khi cần thiết được tiếp nhận và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, ông Vân cho rằng, tính tự chủ của DN cũng rất quan trọng, Nhà nước, cơ quan quản lý thời điểm này cũng rất áp lực, nên cần khuyến khích sự tự chủ của DN, có hành lang pháp lý bảo vệ, để xã hội vận hành trơn tru.

Tại văn bản do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính) vừa gửi đến Thủ tướng Chính phủ, đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng  trong bối cảnh đại dịch, cũng nêu rõ: Tại các tỉnh phía Nam, số DN nỗ lực áp dụng “3 tại chỗ” là không ít, vì đây là những khu công nghiệp trọng điểm, có vai trò rất lớn với các chuỗi sản xuất - xuất khẩu. Tuy nhiên, thông tin nhanh từ các DN, hiệp hội ngành hàng (như: Dệt may Việt Nam, Điện tử Việt Nam, Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chế biến Gỗ & Mỹ nghệ TP Hồ Chí Minh, Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, Liên đoàn DN tỉnh Bình Dương,...) trong những ngày qua cho thấy, đã xuất hiện sự đổ vỡ của mô hình “3 tại chỗ” ở một số nhà máy với các ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng trong vài ngày. Với năng lực y tế tại chỗ gần như bằng không, trong khi hệ thống y tế địa phương cũng đã quá tải, hiện khâu xử lý với các ca F0, F1 trong các nhà máy này đang hết sức rối, khiến DN và người lao động đều bị tác động nặng về tâm lý, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các DN khác trên địa bàn.

Trong bối cảnh đó, chính quyền cấp tỉnh, huyện và ngay cả ban quản lý khu công nghiệp ở một số địa phương phía Nam đã ban hành các văn bản yêu cầu DN tăng cường xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên. Nhưng, lại không làm rõ các kịch bản y tế liên quan nên DN càng thêm áp lực, vì chi phí xét nghiệm quá lớn mà không đánh giá được cụ thể là hiệu quả bảo vệ sản xuất so với lựa chọn khác ra sao.

Do đó, việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ” nên tính toán thực hiện ở các địa phương mà tình hình dịch bệnh vẫn ở diện “kiểm soát được”. Bên cạnh đó, đi kèm với việc thực hiện “3 tại chỗ”, một quy trình phối hợp công - tư chặt chẽ và một quy trình giám sát nghiêm túc trong quá trình triển khai để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh là hết sức cần thiết. Điều này giúp địa phương tính toán được nhu cầu y tế và các điều kiện cần thiết khác duy trì cho chống dịch; đồng thời giúp DN có thể yên tâm vận hành công việc.

Ngoài ra, mới đây, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cũng đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành nhiều nội dung cụ thể nhằm hỗ trợ DN vượt khó. Trong đó, VITAS chưa rõ đối với DN bố trí phương án sản xuất “3 tại chỗ”, nhưng từ 60 - 70% người lao động không đồng ý ở lại công ty do sợ bị lây lan, thì số lao động này có được hưởng trợ cấp của Nhà nước theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 hay không.

VITAS đề xuất đưa số lao động này vào đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Vì nếu áp dụng theo quy định (không được trả lương ngừng việc), người lao động sẽ gặp khó khăn, trong khi dịch bệnh đang lây lan nguy hiểm, tâm lý lo lắng của người lao động là có thể hiểu được. Trường hợp nếu DN phải trả lương ngừng việc thì thực sự có những DN không thể đủ khả năng chi trả.

Đó là chưa kể, hiện nay, nhiều DN nằm trong vùng bị phong tỏa, cách ly, phải cho người lao động nghỉ việc, giãn việc. Khi DN mở cửa trở lại thì áp lực giao hàng rất lớn, phải bố trí làm ngoài giờ. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động quy định thời giờ làm thêm “không được phép quá 40 giờ trong 1 tháng”.

Vì vậy, VITAS đề xuất cho phép DN, sau thời gian phong tỏa, được bố trí thời gian làm thêm quá quy định nêu trên để giải quyết các đơn hàng tồn đọng. DN vẫn sẽ bù trừ các tháng để đảm bảo không quá 300 giờ/năm theo quy định.

Minh Hưng - Thanh Trà