Xã Hóa Quỳ có tổng diện tích tự nhiên 2.628,44 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông lâm nghiệp khá lớn. Trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hóa Quỳ đã có nhiều cố gắng phát huy thế mạnh của địa phương, vượt qua khó khăn thách thức, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước để tập trung phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào DTTS nơi đây.

Như nhiều xã khu vực nông thôn miền núi khác, kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chưa hợp lý, tốc độ tăng trưởng tuy đạt khá nhưng chưa bền vững, thu nhập của đồng bào còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Theo đánh giá, nguyên nhân là do trên địa bàn xã Hóa Quỳ chưa có chiến lược, định hướng phát triển trồng trọt những cây ăn quả có chất lượng cao. Bên cạnh đó đồng bào các dân tộc còn thiếu vốn, trình độ kỹ khoa học kỹ thuật, nguồn giống còn hạn chế, đầu ra gặp nhiều khó khăn.

Để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của xã về phát triển trồng cây ăn quả có chất lượng cao, xã Hóa Quỳ đã xây dựng định hướng phát triển cây ăn quả chất lượng phù hợp với thế mạnh của địa phương, đồng thời triển khai thực hiện Đề án Phát triển cây bưởi hồng Quang Tiến để nhằm cung cấp nguồn giống cây tốt và quả thương phẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân các địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS ở địa phương.

Ngay từ khi phát động thực hiện dự án trồng cây bưởi hồng Quang Tiến, nhiều hộ đã tham gia rất nhiệt tình, có hộ tự nguyện tham gia tới 3 đến 6 lao động, với mong muốn làm thay đổi cuộc sống, nâng cao năng suất cây trồng. Tất cả các hộ tham gia đã được tập huấn kỹ thuật trồng chăm sóc bưởi theo đúng quy trình kỹ thuật hiện đại, đồng thời cam kết thực hiện đúng quy trình, quy định của Nhà nước đã ban hành. Theo đó, chính quyền hỗ trợ cây giống bưởi cho các hộ có diện tích từ 0,5- 1,5 ha, trồng với mật độ trồng 370 cây/ha.

Qua một thời gian thức hiện, đến nay nhiều gốc bưởi của đồng bào DTTS ở xã Hóa Quỳ đã cho thu hoạch quả chất lượng cao, được khách hàng các vùng miền ưa chuộng. Quả hái đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó, đồng bào nơi đây tiếp tục phấn khởi khai thác có hiệu quả các nguồn lực đất đai để phát triển trồng trọt nói chung và trồng cây bưởi hồng Quang Tiến nói riêng. Từ đây, trồng cây bưởi hồng Quang Tiến đã trở thành phong trào ở xã Hóa Quỳ, từng bước góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho các hộ đồng bào DTTS, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội trên địa bàn xã, thay đổi diện mạo nông thôn mới.

Hiện xã Hóa Quỳ đang phấn đấu hằng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài xã từ 2.000 đến 10.000 cây giống và cung cấp ra thị trường từ khoảng 6 tấn quả bưởi hồng Quang Tiến. Đây là thành quả bước đầu không thể phủ nhận của chính quyền xã Hóa Quỳ nói chung, đồng bào các dân tộc tham gia trồng bưởi hồng Quang Tiến nói riêng.

Bà con cho biết, để trồng thành công được cây bưởi hồng Quang Tiến, phải tuân thủ nghiêm ngặt các giải pháp về kỹ thuật từ nhân giống, phương pháp ghép đạt tiêu chuẩn ngành 10 TCN - 2001; tiêu chuẩn đất trồng; thiết kế vườn trồng, chăm sóc...

Ngoài ra, trong quá trình trồng cây bưởi hồng Quang Tiến, để cây phát triển mạnh, sai quả, sau khi thu hoạch đồng bào nơi đây thường cắt tỉa tất cả các cành sâu bệnh, cành chết, cành vượt... sao cho cây có bộ khung tán cân đối. Từ đó, cây bưởi sẽ phát triển nhanh, ít sâu bệnh, cho nhiều hoa, sai quả.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra về mô hình trồng bưởi Quang Tiến ở xã Hóa Quỳ, ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân đánh giá: Sở dĩ hiện nay bưởi hồng Quang Tiến ở xã Hóa Quỳ được khách hàng ưa chuộng vì múi mịn, mọng nước, tép có màu hồng, ăn giòn, vị ngọt thanh, khi ăn xong không có vị đắng the như các loại bưởi khác. Đặc biệt việc an toàn vệ sinh được đồng bào nơi đây rất chú trọng. Thay vì sử dụng túi nilon để bọc quả thì tất cả các hộ gia đình trồng bưởi hồng Quang Tiến ở đây đều sử dụng túi giấy vừa an toàn vừa bảo vệ môi trường. Với giá bán bình quân 25 ngàn đồng/1kg, tính ra các hộ đồng bào DTTS trồng bưởi tại xã Hóa Quỳ thu về khoảng trên 450 triệu đồng/1ha. Việc đưa cây bưởi hồng Quang Tiến vào trồng trên đất Hóa Quỳ đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào DTTS trong công tác trồng trọt, giúp đồng bào có thêm thu nhập, thay đổi cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo.

Văn Thanh