Nhiều quyết sách phát huy lợi thế vùng đồng bào DTTS

Để từng bước đưa các địa phương miền núi từng bước phát triển, tháng 7/2021 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký Quyết định 1604/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương “Đề án phá triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030”.

Giải pháp chủ yếu là xây dựng những chủ trương, quyết sách chú trọng phát huy các lợi thế so sánh của vùng đồng bào DTTS, miền núi như về đất đai, tài nguyên, tiềm năng phát triển cây công nghiệp, kinh tế rừng, công nghiệp chế biến gỗ... Có chính sách thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nhà đầu tư trực tiếp hoặc liên kết sản xuất kinh doanh; khuyến khích đầu tư vốn theo hình thức liên kết sản xuất với đồng bào ở địa bàn miền núi trong phát triển kinh tế rừng, trồng cây công nghiệp.

Phát huy mọi tiềm lực và lợi thế của miền núi để tiếp tục xây dựng phát triển công nghiệp chế biến gắn với phát triển dịch vụ và du lịch theo hướng bền vững, đảm bảo ngày càng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế ở vùng DTTS, miền núi. Có sự phân định rạch ròi và gắn kết hữu cơ giữa vùng kinh tế có tiềm năng và vùng kinh tế khó khăn ở khu vực đồng bào DTTS.

Trên cơ sở này để có định hướng hoàn thiện cơ chế chính sách, giải pháp phát huy lợi thế của từng vùng, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, đa dạng về ngành nghề và trình độ phát triển, chủ chương của tỉnh là tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa các địa phương vùng đồng bào DTTS, xây dựng cơ chế điều phối liên kết vùng để phát huy lợi thế ở mỗi địa phương và tạo chuỗi liên kết giá trị, góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS trong thời kỳ hội nhập.

Tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, nhất là phát huy vai trò giám sát, phản biện trong thực hiện chính sách dân tộc, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy nội lực, giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu trong hội viên, đoàn viên và đồng bào DTTS để phấn đấu cùng nhân dân toàn tỉnh xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển.

Tập trung củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đối với học sinh DTTS; nâng cao tỷ lệ huy động học sinh đến trường, hạn chế thấp nhất tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng; củng cố chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và trường đạt chuẩn quốc gia đối với các xã định canh, định cư; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách hỗ trợ cho giáo dục đối với đồng bào DTTS.

Thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, vận động đồng bào thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình nhằm góp phần hạ thấp tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, xây dựng mô hình thôn, xã không sinh con thứ 3. Tăng cường cơ sở, vật chất, thiết bị y tế nhất là ở các trạm y tế xã; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xoá nhà tạm cho nhân dân, kế hoạch giúp đỡ hộ nghèo; thực hiện tốt chế độ bảo hiểm y tế đối với đồng bào DTTS, hộ nghèo.

Tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá bản sắc dân tộc bao gồm tiếng nói, dân ca, dân vũ, lễ hội, nhà truyền thống, nghề dệt dèng, đan lát… Đẩy mạnh công tác nghiên cứu sưu tầm, biên soạn thành sách và mở các lớp truyền dạy để bảo tồn văn hóa cho thế hệ sau. Vận động, tuyên truyền bà con giảm dần tục thách cưới, tảo hôn…

Giải pháp về giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giải pháp về đào tạo nghề, tạo việc làm mới, việc làm bền vững nhằm nâng cao thu nhập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục quan tâm chỉ đạo cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp thực hiện tốt hơn nữa chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương hàng năm sang ngân  hàng chính sách xã hội để đáp ứng nhu cầu vốn cho vay vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tuyên tuyền, vận động, thành lập mới hợp tác xã (HTX); tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, năng lực cho đồng bào DTTS về phát triển kinh tế tập thể, HTX. Lồng ghép thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến công thông qua việc tổ chức các lớp dạy nghề cho thành viên các HTX và người lao động ở vùng dân tộc và miền núi, giúp cho đồng bào có thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế tập thể, HTX ở các vùng dân tộc và miền núi theo đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước”.

Đẩy mạnh việc triển khai Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nêu cao ý chí cách mạng, cần cù lao động, không trông chờ ỷ lại, quyết tâm vượt khó, không cam chịu đói nghèo, có ý thức làm giàu chính đáng và xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn, bản, làng.

Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định để huy động các nguồn lực khác. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc

Cần những giải pháp cụ thể hơn

Qua đánh giá chung, để phát trển được vùng đồng bào DTTS và miền núi ở tỉnh Thừa Thiên Huế và “Đề án phá triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030” nhiều ký kiến cho rằng, cần phải có những giải pháp cụ thể hơn nữa về thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng đã được nhiều địa phương ưu tiên mở rộng.

Trong đó, hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng lớn, chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như trồng cây với chất lượng cao, trồng rau an toàn; nuôi bò, dê, lợn, nuôi trồng thủy hải sản tập trung… Đồng thời hình thành một số chuỗi giá trị có hiệu quả gồm: Chuỗi sản xuất bò thương phẩm A Lưới; chuỗi gà thịt an toàn tại Phong Mỹ; sản xuất chuối thương phẩm ở A Lưới; liên kết bao tiêu sản phẩm ngô ở Hồng Thủy; ổi ở Nam Đông; cam thương hiệu Nam Đông hay mô hình trồng dứa thương phẩm. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu.

Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là cần thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại mang lại giá trị tăng cao. Khi tham gia vào chuỗi liên kết, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Bên cạnh những lợi ích đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường.

Cần tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất, liên kết đất đai trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm lực, có công nghệ cao; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản cho nông dân và HTX.

Văn Thanh