Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn An Tiêm, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khẳng định: Hội thảo này nhằm cung cấp những luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn của hoạt động xuất bản, phát hành cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý Nhà nước xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách phù hợp với tính đặc thù của ngành và yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để giúp ngành Xuất bản không ngừng phát triển mạnh mẽ theo kịp sự phát triển của khu vực và thế giới.

Ông Tiêm cũng cho rằng, cùng với việc xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, các cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản cũng từng bước đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, xây dựng nhiều mô hình mới, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí của các nhà xuất bản, doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm và các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản.

Mặc dù vậy, trước những yêu cầu đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất bản, kinh doanh xuất bản phẩm tiếp tục cần được cải cách, chuyển đổi sâu sắc hơn nữa nhằm đưa ngành xuất bản Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững, đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghệ 4.0.

Tại Hội thảo, Giám đốc NXB Chính trị Quốc gia sự thật Nguyễn Chí Thành chia sẻ, trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, ngành Xuất bản từ môi trường thực tế bị giới hạn về không gian và thời gian dần chuyển sang môi trường internet di động, công nghệ số để ấn phẩm đến được tay độc giả nhanh nhất, nhiều nhất, tiện ích nhất. Các giao dịch mua bán, chuyển nhượng sách và bản quyền trên phạm vi toàn cầu cũng thuận tiện, nhanh gọn hơn...

Những thay đổi này đem lại nhiều cơ hội và tiền đề thuận lợi cho sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của ngành Công nghiệp văn hóa - xuất bản Việt Nam. Song, nó cũng tạo áp lực lớn buộc ngành Xuất bản nước ta phải chuyển mình, thay đổi để thích ứng và tiếp tục phát triển.

Để nắm chắc cơ hội, chủ động vượt qua thách thức, chuyển đổi phương thức hoạt động hiệu quả trước những xu thế phát triển như đơn giản hóa quy trình xuất bản, tích hợp các loại hình xuất bản phẩm, chuyển đổi mô hình hoạt động, thì cơ quan chức năng và bản thân các nhà xuất bản phải nhanh chóng đổi mới về mọi mặt để theo kịp những đòi hỏi trong thực tiễn hoạt động xuất bản.

“Một trong những thay đổi có tính tất yếu là cần phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, đây cũng là yếu tố tác động đầu tiên và trực tiếp nhất” - ông Thành nhấn mạnh.

Cần tập trung xuất bản điện tử

Chia sẻ với các nhà xuất bản, các công ty phát hành, công ty sách về những bất cập trong lĩnh vực xuất bản, phát hành, Cục trưởng Nguyễn Nguyên cho biết cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu và nghiêm túc đánh giá để xử lý trong thời gian tới.

“Xuất bản điện tử là vấn đề chúng ta cần tập trung trong thời gian tới. Phải tạo sân chơi, tạo điều kiện để nhà xuất bản (NXB) tham gia sân chơi này”, Cục trưởng Nguyễn Nguyên nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Kim Quang Minh, Chủ tịch kiêm Tổng biên tập NXB Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam cho rằng, với sách, bản thảo của xuất bản phẩm được biên tập viên trực tiếp biên tập trên hệ thống, duyệt bản thảo trên hệ thống và cấp số để phát hành. Với bản đồ, các lớp bản đồ nền được đặt tại hệ thống xuất bản điện tử của NXB, bản đồ nền do các biên tập viên NXB biên tập và phát hành ra bên ngoài dưới dạng dịch vụ. Các khách hàng sử dụng dịch vụ này chồng xếp các lớp bản đồ của đối tác vào trong các ứng dụng của họ như GIS Chính phủ, atlas Bình Dương, Lào Cai... và phát hành ra Internet. 

"Điều này giúp NXB kiểm soát tốt được toàn bộ nội dung của xuất bản phẩm, nhanh chóng gỡ bỏ (nếu phát hiện sai sót) hoặc khôi phục phát hành lại được xuất bản phẩm" ông Minh nhấn mạnh.

Ông Minh đề xuất ngành Xuất bản, in và phát hành nên xây dựng một cổng thông tin điện tử của ngành (cổng thông tin điện tử Xuất bản, In và Phát hành). Cổng này cho phép tác giả, các biên tập viên, các NXB, Cục Xuất bản, In và Phát hành, chuyên viên Bộ Thông tin và Truyền thông truy cập, sử dụng để thực hiện điều hành tác nghiệp (thực hiện các thủ tục hành chính và dịch vụ hỗ trợ xuất bản, in và phát hành). Các cửa hàng, nhà sách, độc giả truy cập cổng để tìm kiếm, tra cứu thông tin về quá trình xuất bản (tác giả, nhà xuất bản, công ty in ấn, mã xuất bản...) của các xuất bản phẩm.

Ngoài ra, tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung phản ánh, đề xuất bãi bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết; ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các văn bản pháp quy về cải cách hành chính phù hợp điều kiện thực tế ngành xuất bản, chỉ rõ những bất cập chồng chéo trong thông tư, nghị định, luật… tạo điều kiện cho các NXB, công ty phát hành thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. 

Đồng thời, đưa ra các giải pháp tăng cường hệ thống trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính giai đoạn thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Thái Hải