Trước thềm năm học mới, hàng trăm giáo viên hợp đồng lâu năm ở nhiều huyện, thị trên địa bàn TP Hà Nội đang hoang mang, lo lắng không biết năm học này, mình có được đứng lớp nữa hay không?

Trong khi TP Hà Nội chỉ đạo xét tuyển hết số giáo viên hợp đồng từ 5 năm trở lên, thì hầu hết các quận, huyện thị xã lại thực hiện trái lệnh (21/30 quận, huyện đề nghị thi tuyển, còn lại là xét tuyển...).

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà còn ở một số tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Nhiều năm qua, những lá đơn kêu cứu của các giáo viên hợp đồng đã được gửi tới nhiều cơ quan, bộ, ngành Trung ương nhưng chưa được giải quyết triệt để…

Trong năm học mới này, Bộ GD&ĐT đặt nhiệm vụ xử lý dứt điểm việc hợp đồng giáo viên nhiều năm mà không thực hiện tuyển dụng viên chức tại một số địa phương.

Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm quy định về định mức số lượng, chuẩn giáo viên đối với các cấp học; không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bảo đảm nguyên tắc “ở đâu có học sinh thì ở đó phải có giáo viên”.

Các địa phương chủ động đặt hàng các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho địa phương, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng.

Bên cạnh việc ổn định về số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cũng là một yêu cầu được Bộ đặt ra trong năm học mới.

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai từ năm học 2020 - 2021, bắt đầu với lớp 1. Vì thế, năm học 2019 - 2020, ngành đặt nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình mới này. Trong đó việc bồi dưỡng giáo viên, nhất là giáo viên lớp 1 và cán bộ quản lý giáo dục phục vụ cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới được ngành Giáo dục chú trọng.

Trong năm học mới này, Bộ cũng yêu cầu các địa phương nâng cao đạo đức nhà giáo, kiên quyết xử lý nghiêm những giáo viên vi phạm đạo đức; khắc phục tình trạng dạy thêm trái quy định; đảm bảo các chế độ chính sách cho nhà giáo; chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường nhằm giảm áp lực sổ sách cho giáo viên.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục trong cả nước, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch. Đẩy mạnh tự chủ đại học, đồng thời thực hiện đề án sáp nhập, hợp nhất, giải thể các cơ sở giáo dục đại học công lập và đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm…

Hải Hà