Ông Lâm cho biết, hơn 30 năm qua, diện tích rừng trồng của Tổng Công ty phần lớn là trồng keo làm nguyên liệu đầu vào. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, do thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh hoành hành, tuổi đời của cây keo lại lâu được khai thác nên giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao, khó cạnh tranh trên thị trường. Dù Vinapaco đã mời chuyên gia về nghiên cứu và áp dụng nhiều biện pháp nhưng không hiệu quả. 

Đứng trước thách thức của thị trường, 1 trong những giải pháp mà Vinapaco đưa ra là phải thay đổi chiến lược và chọn vùng nguyên liệu làm khâu đột phá.

Cũng theo ông Lâm, việc chọn phát triển vùng nguyên liệu cần phải đi trước một bước. Song song với đó là phát triển thêm các sản phẩm mà nhà máy chế biến gỗ cũng được coi là một điểm đột phá. 

Đại diện Vinapaco cho biết, đơn vị từng bước cải tiến việc thu mua nguyên liệu theo hướng phế liệu của mặt hàng này là nguyên liệu đầu vào của sản phẩm kia; đặc biệt tạo thuận lợi cho người trồng rừng và doanh nghiệp kinh doanh gỗ nguyên liệu.

Mỗi chuyến khảo sát thực tế, giúp các thành viên Vinapaco tìm được lối đi đúng hướng. Ảnh: LP

Sau nhiều chuyến khảo sát, lựa chọn, Vinapaco đã chọn bạch đàn cao sản thay thế cây keo nguyên liệu. 

Thế mạnh của bạch đàn cao sản là chỉ cần trồng 4 năm sẽ được khai thác, năng suất cao hơn thay vì cây keo trước đó mất 7 năm mà năng suất lại thấp.

Ông Lâm cũng cho biết, khi nguồn nguyên liệu ổn định sẽ quyết định hiệu quả đầu tư và tăng sức cạnh tranh. Theo đó, Vinapaco đầu tư kỹ thuật, vật tư, phân bón, cây giống, hướng dẫn trồng và chăm sóc rừng.

Địa phương được chọn thí điểm trong việc đầu tư vùng nguyên liệu là Phú Thọ với Công ty Giấy Bãi Bằng và 16 lâm trường trực thuộc có tổng diện tích đất được giao quản lý sử dụng hơn 60 nghìn ha, trong đó diện tích đất rừng trồng nguyên liệu có 32 nghìn ha.

Bạch đàn cao sản, cây giống mới được Vinapaco đầu tư hiện đang phát triển tốt. Ảnh: LP

Ông Phùng Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Yên Lập cho biết, trong năm 2017, công ty trồng 50ha bạch đàn cao sản. Năm 2018, công ty trồng được thêm 40ha. Hiện cây sinh trưởng cây tốt, bình quân đạt đường kính đạt từ 8 - 9cm, chiều cao 11 - 12m, thậm chí có cây cao hơn 14 - 15m. 

Đây là cơ sở đề nghị cấp trên xem xét nhân rộng trồng mô hình và rút ngắn chu kỳ kinh doanh rừng trồng đối với cây bạch đàn (4 năm). 

Ông Thắng cũng cho biết, cùng với nhiều giải pháp, Vinapaco cũng chỉ đạo các đơn vị thành viên tự cởi trói, đổi mới trong sản xuất kinh doanh. 

Công ty Lâm nghiệp Yên Lập là 1 trong những đơn vị đạt hiệu quả rõ rệt nhờ sự chỉ đạo đó. Doanh thu của công ty tính đến nay đạt trên 13 tỷ đồng.

Vinapaco cũng thường xuyên mời các chuyên gia đi khảo sát và kiểm tra tình hình phát triển của giống cây bạch đàn cao sản. Ảnh: LP

Cũng theo ông Thắng, trước đây, sau khi khai thác, toàn bộ gỗ được đưa về nhà máy sản xuất giấy. Hiện nay, công ty cho cơ chế, phần gỗ to ở dưới cho phân loại bán sử dụng vào mục đích khác hiệu quả hơn. Gỗ nhỏ thì được băm ra làm giấy. 

Chẳng hạn như gỗ băm dăm mua tại Bãi Bằng khoảng 1,2 triệu/m3, nhưng gỗ vanh có giá trên 1,5 triệu/m3.

Điều nữa, theo ông Thắng, trước đây thì xác định khối là quay ô đo đếm tính khối lượng, nhưng từ năm 2017, 2018 thay đổi phương pháp xác định khối lượng, đo vanh từng cây để tính năng suất và nâng cao giá trị sản phẩm. 

Sau đó phân loại gỗ vanh, A-B, đảm bảo độ chính xác, sử dụng hợp lý và nâng cao hiệu quả. Tận dụng tối đa các loại sản phẩm nhằm nâng cao giá trị rừng trồng. 

Thị trường tiêu thụ hàng hóa ổn định, thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm gỗ nguyên liệu giấy. Giá cả thị trường ổn định, đời sống của người lao động được nâng cao.

Theo đánh giá của chuyên gia, bạch đàn cao sản được trồng tại Công ty Lâm nghiệp Yên Lập đang trong thời kỳ sinh trưởng tốt. Ảnh: LP

Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục thực hiện trồng thí điểm giống bạch đàn cao sản, từng bước cải thiện, nâng cao năng suất rừng trồng. Tập trung chăm sóc rừng trồng các năm theo đúng quy trình kỹ thuật quy định của Tổng Công ty.

Cũng theo ông Thắng, việc phát triển vùng nguyên liệu thu hút sự quan tâm đặc biệt sát sao của lãnh đạo Vinapaco. 

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty, Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc phụ trách thường xuyên thị sát, kiểm tra thực tế tại các điểm rừng. Mọi thông số về quá trình phát triển của vùng nguyên liệu được cập nhật, báo cáo hàng tháng tới Hội đồng thành viên và Ban Giám đốc. 

Qua thị sát trực tiếp, Ban Lãnh đạo Tổng Công ty cũng đưa ra những chỉ đạo định hướng cho Tổng Công ty Giấy và các đơn vị thành viên trong thời gian tới như quản lý chặt chẽ quỹ đất được giao, không để diện tích đất trống; tăng cường kiểm tra, kiểm soát; làm tốt công tác dân vận, xây dựng, tạo mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương các cấp.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Hoàng Quốc Lâm cho biết, tới đây Vinapaco sẽ mạnh dạn nhân rộng vùng nguyên liệu trồng bạch đàn cao sản lên 300 ha. Ảnh: LP

Đồng thời, gắn trách nhiệm của từng cán bộ, đội trưởng với từng lô rừng; quản lý chặt chẽ vốn, vật tư, cây giống; dùng phương tiện cơ giới thi công thay cho thủ công và thực hiện khoán công đoạn. Công tác tiêu thụ cần bám sát thị trường, nắm bắt xu thế mới, định hướng và điều chỉnh sản xuất cho phù hợp.

Trong chuyến đi thực tế tại một số điểm trồng rừng của Công ty Lâm nghiệp Yên Lạc, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Hoàng Quốc Lâm cho biết, tới đây, Tổng Công ty sẽ tiếp tục tổ chức học hỏi thực tiễn và mời các chuyên gia trực tiếp tham quan tại Trung Quốc để xem và học tập kinh nghiệp trong việc xác định giống cây trồng, cách chăm sóc rừng và khai thác nguyên liệu; mạnh dạn nhân rộng vùng nguyên liệu trồng bạch đàn cao sản lên 300ha.

Tin rằng, với giải pháp đột phá này, ngành Giấy Việt Nam sẽ có những bước tiến trong những năm tiếp theo.

Lê Phương