Chú trọng thực hành báo chí

Được biết đến là một tổ chức uy tín trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo Việt Nam, trong những năm qua, VJTC luôn đào tạo học viên theo hướng trực tiếp, chuyên sâu trên tinh thần chia sẻ gắn kết, gợi mở tư duy sáng tạo, chú trọng thực hành báo chí, cầm tay chỉ việc...

20 năm xây dựng và trưởng thành, VJTC đã tích cực tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, bồi dưỡng chính trị, nâng cao trình độ lý luận chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm báo Việt Nam. Với tinh thần đào tạo bồi dưỡng nâng cao cho đội ngũ những người làm báo, VJTC luôn thể hiện được vai trò và nhiệm vụ trọng tâm mà Hội Nhà báo Việt Nam giao cho, góp phần tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam và có thể làm việc trong môi trường báo chí quốc tế.

Điều quyết định sự tồn tại của Trung tâm là đội ngũ giảng viên và phương hướng phát triển là đào tạo thực hành. Do đó, đội ngũ giảng viên luôn là người đang làm báo. “Mỗi khóa đào tạo mở ra, tôi luôn mong những người đến đây học và thay đổi. Làm thế nào để ít nhất người ta thu nhận được điều gì đó và làm điều gì mới hơn. Làm thế nào để có một sự thay đổi trong nhận thức của nhà báo cũng như trong cách làm báo hàng ngày”, PGS. TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ.

Hàng quý, hàng năm, VJTC làm nghiên cứu nhu cầu đào tạo của các học viên, rồi lên kế hoạch giảng dạy cho năm kế tiếp. Nội dung đào tạo liên quan tới kỹ năng làm báo cơ bản cho các loại hình báo chí khác nhau (báo in, báo ảnh, phát thanh, truyền hình, đa phương tiện…). Các vấn đề, chuyên đề cụ thể như viết báo lĩnh vực pháp luật, trẻ em, môi trường, an toàn giao thông, y tế, giáo dục… đều được đưa vào thực tiễn cho các học viên tham gia trong mỗi khóa đào tạo. Chính vì điều này mà nhiều học viên tỏ ra thích thú và mong muốn được tham gia học tại các khóa học do VJTC mở.

Tăng cường sự kết nối giữa các nhà báo

Nhà báo Lê Hồng Kỹ - Tổng Thư kí Tòa soạn Báo Pháp luật - Xã hội, giảng viên của VJTC chia sẻ, các hoạt động của VJTC rất cần thiết và thiết thực trong bối cảnh hiện nay. Điều đó có thể đánh giá dưới 2 góc độ.

Thứ nhất, nghề báo hiện nay làm trái nghề rất cao, nhiều người chưa được đào tạo những kỹ năng cơ bản báo chí. Vì thế, các khóa đào tạo theo chuyên đề là rất thiết thực để nâng cao tay nghề, kiến thức và kĩ năng cơ bản cho người làm báo.

Thứ hai, ngay cả những người được đào tạo báo chí thì báo chí là một lĩnh vực có nhiều thay đổi về xu hướng, sự cập nhật về công nghệ và sự cạnh tranh trong báo chí là rất cao. Như vậy, việc đào tạo nhằm cập nhật những kĩ năng mới là rất cần thiết. Không chỉ đội ngũ phóng viên, biên tập viên mà còn cả những người quản lý, lãnh đạo cũng cần cập nhật kỹ năng mới để tránh tình trạng trì trệ, lệch hướng so với xu hướng mới.

Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí hợp tác quốc tế. Ảnh: TT

 

Ngoài các hoạt động đào tạo, thông qua VJTC các nhà báo có thể thảo luận trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về kinh nghiệp kỹ năng về xu hướng, nhà báo Lê Hồng Kỹ cho biết thêm.

Phóng viên Nguyễn Chí Thanh, Báo Kinh tế Nông thôn khẳng định, viết về các vấn đề kinh tế rất khó. Do vậy, nhà báo rất cần nền tảng về kiến thức, kĩ năng, tầm nhìn… 

“May mắn dịp vừa qua tôi đã được tham gia khóa bồi dưỡng “Những nền tảng cần thiết của một nhà báo kinh tế hiện đại”. Khóa học đã giúp tôi biết cách định hướng và chọn lọc thông tin, phân tích dữ liệu để truyền tải đến bạn đọc một cách dễ hiểu nhất đối với bài viết về kinh tế thời đại 4.0. Tôi mong muốn tiếp tục được tham gia các khóa học do VJTC tổ chức trong thời gian tới”, phóng viên Nguyễn Chí Thanh chia sẻ.

Được biết, sau 20 năm thành lập, VJTC đã tổ chức được 1.008 khóa học, 25.618 học viên là các phóng viên, biên tập viên, nhà báo trên khắp các tỉnh thành tham gia. Có một điều khó tin phía sau những thành công của VJTC đó là đơn vị chỉ có 8 cán bộ, nhân viên!

Hiện nay, kĩ năng làm báo đa phương tiện trở thành yêu cầu chung của các cơ quan thông tấn báo chí. Tuy nhiên, kỹ năng chuyên sâu viết điều tra, phóng sự và kỹ năng sử dụng công cụ mạng xã hội trong làm báo cũng gây được sự quan tâm, cũng cần được trau dồi… Việc tổ chức lớp học là bám sát nhu cầu thực tế của hội viên, nâng cao kỹ năng viết và biên tập cho các nhà báo, hội viên. Sau khóa học, các học viên thu được thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, phục vụ thiết thực cho công tác chuyên môn của mình tại cơ quan.

Bên cạnh những thuận lợi, điểm khó của VJTC là làm thế nào tìm, duy trì được đội ngũ giảng viên. Nhiều người đã được đào tạo nhưng về sau không tham gia giảng dạy được. Một vấn đề nữa, làm sao để VJTC tiếp tục mở rộng đào tạo số lượng giảng viên và chọn được những người thực sự có năng lực giảng dạy, sự nhiệt tình cống hiến vì sự nghiệp chung.

Để làm được điều đó, tất nhiên sự liên kết giữa VJTC và giảng viên là quan trọng. VJTC tạo sự liên kết chặt chẽ với giảng viên, thông qua việc quan tâm hỗ trợ để chính giảng viên cũng thường xuyên được trau dồi kiến thức, có những sinh hoạt chung để chia sẻ, gắn kết…

Ngoài nâng cao sự cọ xát cho đội ngũ làm báo trong nước, VJTC còn chú trọng đến mảng hợp tác quốc tế. VJTC đã không ngừng xây dựng các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thảo, các hoạt động hợp tác quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài, giúp các nhà báo Việt Nam có thêm những kiến thức cập nhật về xu hướng phát triển của báo chí, truyền thông trên thế giới và những kinh nghiệm phong phú trong tác nghiệp.

Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam (VJTC) được thành lập ngày 4/8/1999, theo Quyết định số 02/1999/QĐ-TCCP ngày 6/3/1999 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Quyết định số 277/QĐ-HNB ngày 4/8/1999 của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

VJTC là đơn vị trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, có chức năng tham mưu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp và công tác hội cho hội viên các cấp Hội; tham gia hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ.

Dự kiến tháng 8/2019 tới, VJTC sẽ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.


Thanh Lương