Tham dự buổi làm việc có đồng chí Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Phó Bí thư Thành ủy TP Võ Thị Dung cùng đại diện các ban Đảng, sở, ngành, quận, huyện liên quan của TP.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP Lê Trọng Hiếu cho biết: Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư, tình hình quan hệ lao động có chuyển biến tích cực, quy mô về số vụ, số lượt người tham gia tranh chấp lao động tập thể giảm qua các năm; tính chất các vụ tranh chấp lao động ôn hòa hơn giai đoạn những năm 2008 trở về trước, thời gian tranh chấp và số vụ tranh chấp có tính chất lây lan giảm.

Đồng thời, TP đã hình thành và phát huy có hiệu quả cơ chế chủ động phòng ngừa các vụ tranh chấp lao động tập thể có thể dẫn đến đình công tự phát… hình thành và dần phát huy hiệu quả bước đầu một số thiết chế căn bản để xây dựng quan hệ lao động trong DN, hỗ trợ DN xây dựng quan hệ lao động, các hoạt động an sinh xã hội… góp phần tác động tích cực đến tâm tư, tình cảm, thái độ người lao động ngày càng gắn bó và chia sẻ với DN.

Trong thời gian tới, TP tiếp tục quán triệt sâu rộng, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Thành ủy, chỉ đạo của UBND TP về tăng cường xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN. Đồng thời, tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống thiết chế về quan hệ lao động cả về tổ chức bộ máy và nguồn lực triển khai thực hiện…

Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Phát triển quan hệ lao động tại TP HCM giai đoạn 2015 - 2021. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động giúp cho chủ DN nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện dân chủ cơ sở tại DN; kỹ năng thực hành ứng xử trong quan hệ lao động cho người lao động, kể cả về tác phong, thái độ kỹ năng lao động để nâng cao năng suất, chất lượng lao động góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DN…

Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, TP HCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn về quy trình xử lý những DN ngừng hoạt động, còn nợ tiền lương, tiền tham gia bảo hiểm xã hội mà có chủ bỏ trốn… Đồng thời, cần nâng mức xử phạt liên quan đến việc người sử dụng lao động chậm trả, không trả lương đúng hạn cho người lao động để đủ tính răn đe các hành vi vi phạm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Thị Dung cho biết: Từ khi có Chỉ thị 22 của Ban Bí thư, Thành ủy TP chỉ đạo quyết liệt trong việc cụ thể hóa việc triển khai thực hiện. Sau thời gian thực hiện, đã tạo sự chuyển biến lớn.

Hiện nay, TP đang chịu áp lực lớn về cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội, vì cứ 5 năm tăng 1 triệu người. “TP đã rất nỗ lực, đặc biệt là chủ trương chăm lo cho phát triển quan hệ lao động đã huy động cả hệ thống chính trị. Việc thực hiện nghiêm chính sách và quy định pháp luật trong DN của người sử dụng lao động, cũng như người lao động là yếu tố rất quan trọng. Nhưng để chăm lo thật sự cho người lao động thì không ai chăm lo tốt hơn những người sử dụng lao động” - Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thành ủy TP Võ Thị Dung cũng kiến nghị Trung ương nghiên cứu có hình thức tổ chức sinh hoạt của tổ chức Đảng, Đoàn thể trong DN phù hợp với đặc điểm tình hình lao động. Cùng với đó, quan tâm thúc đẩy việc phát triển đảng viên là chủ DN, vì hiện nay có nhiều quy định ràng buộc trách nhiệm gây khó khăn cho chủ DN tham gia…

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Doãn Mậu Diệp phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá cao những kết quả thực hiện Chỉ thị 22 mà Thành ủy TP chỉ đạo thực hiện thời gian qua; cũng như cách làm mới, sáng tạo của TP.

Liên quan kiến nghị của TP HCM về hướng dẫn quy định xử lý DN ngừng hoạt động nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, chủ DN bỏ trốn, theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp, vấn đề này là rất khó xử lý. Bởi vì, về nguyên lý của bảo hiểm là có đóng, có hưởng. Nghĩa là DN không đóng vào, nếu lấy ngân sách Nhà nước để xử lý là không được; còn lấy từ quỹ bảo hiểm xã hội do những người khác đóng vào để xử lý cũng không được. Do đó, phải có cảnh báo sớm và đưa họ vào diện DN cần sự giám sát…

Về điều chỉnh tiền lương tối thiểu, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho biết: Lương tối thiểu chỉ trả cho số lao động hưởng mức lương thấp nhất, làm việc giản đơn trong điều kiện bình thường; lương của nhóm khác không thuộc diện điều chỉnh của lương tối thiểu. Trước đây, chính sách tiền lương của DN theo nghị định hướng dẫn của Nhà nước các bậc cách nhau ít nhất 5%. Tuy nhiên, sắp tới theo quy định Nhà nước không quy định thang bảng lương nữa mà DN thực thi, thỏa thuận với người lao động và vai trò của Công đoàn rất quan trọng…     

Vạn Lý