Ủy Cạnh tranh Quốc gia sẽ được hình thành trên cơ sở hợp nhất Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Hội đồng Cạnh tranh hiện nay.

Dự kiến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khi được thành lập sẽ gồm 8 đơn vị với tổng số khoảng 130 biên chế công chức và 25 biên chế viên chức.

Những thông tin trên khiến dư luận lo ngại câu chuyện “phình to” biên chế, trong khi Chỉ thị của Chính phủ là các bộ, ngành cần tinh giản biên chế.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết, tháng 6/2018, Quốc hội đã thông qua đạo luật quan trọng là Luật Cạnh tranh 2018, thay thế Luật Cạnh tranh 2014, có hiệu lực từ 1/7/2019, tức là 3 tháng nữa có hiệu lực.

Trong luật này có nhiều nội hàm liên quan điều chỉnh các hành vi bị cấm, tác động đến quản lý cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh, kiểm soát tập trung kinh tế…

Cũng tại đây, Quốc hội thấy rằng cần có một mô hình cơ quan có đủ năng lực, trình độ, đủ khả năng để thực thi Luật Cạnh tranh 2018.

Các đại biểu đã bấm nút thông qua Điều 46, quy định rõ về mô hình cơ quan cạnh tranh quốc gia. Cơ quan này đã được định danh rõ và khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có thể được ra đời để thực thi Luật Cạnh tranh 2018.

Sau khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương xây dựng 3 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh 2018: Nghị định hướng dẫn nội dung (Bộ Công Thương đã hoàn thành và trình Chính phủ); Những quy định xử lý vi phạm về Luật Cạnh tranh (Bộ Công Thương đã hoàn thiện); Xây dựng mô hình Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Cũng theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, hiện nay, các thông tin liên quan đến Ủy ban, các nội dung qua website Chính phủ đã được báo chí phản ánh đúng mực, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến mô hình Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

"Chúng tôi sẽ triển khai đúng các văn bản quy phạm pháp luật, trình các cấp thẩm quyền xem xét thông qua. Khi Nghị định này được Chính phủ đồng ý thông qua sẽ là cơ sở ra đời Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia" - ông Tân khẳng định.

Khi Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được thành lập trên cơ sở kiện toàn bộ máy, sắp xếp lại chức năng nhiệm vụ và tổ chức trên cơ sỏ hiện trạng. Cơ quan quản lý cạnh tranh hiện nay có 2 cơ quan là Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Việc một cơ quan phải nhận nhiều nhiệm vụ chính là cách thu gọn đầu mối, một đầu mối làm nhiều việc để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, tăng biên chế để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng chỉ là luân chuyển cán bộ trong nội bộ của Bộ Công Thương, về cơ bản, vẫn đảm bảo con số tổng, do đó, không "phình to" biên chế.

Bình An