Không tổ chức chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn và chi bộ quân sự xã. Những đơn vị còn mô hình này tiến hành giải thể, chuyển đảng viên về sinh hoạt đảng tại khu dân cư nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng ban hành các chủ trương, nghị quyết, gắn với thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của chi bộ đề ra.

Tỉnh Nghệ An cũng thực hiện bố trí kiêm nhiệm các chức danh cán bộ chuyên trách và không chuyên trách cấp xã theo hướng Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND; trường hợp Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND thì Phó Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND. Tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã ở những nơi có điều kiện. 

Đối với chức danh cấp phó MTTQ và phó các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã phải kiêm nhiệm tối thiểu một chức danh không chuyên trách khác, nhưng tối đa không quá 2 chức danh. Chức danh phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy không bố trí riêng mà thực hiện việc kiêm nhiệm; không bố trí chức danh nội vụ, thi đua, tôn giáo, dân tộc và chức danh bảo vệ thực vật, thú y; không bố trí chức danh quản lý nhà văn hóa, đài truyền thanh mà nhiệm vụ này chuyển cho công chức văn hóa – xã hội thực hiện; khuyến khích việc bố trí đồng chí bí thư chi bộ kiêm khối, xóm trưởng, trưởng thôn, bản.        

Nghệ An cũng thực hiện tinh giản tối thiểu 10% biên chế cán bộ, công chức cấp xã theo lộ trình đến năm 2021, gắn với đó thực hiện khoán số lượng tối đa người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và khối, xóm, thôn, bản để bố trí kiêm nhiệm nhằm giảm bớt số người làm việc.

Theo chủ trương trên, tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu cụ thể trong năm 2019 là thực hiện việc sáp nhập các khối, xóm, thôn, bản chưa đủ tiêu chí theo quy định; giải thể chi bộ cơ quan và chi bộ quân sự cấp xã, chuyển đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ khu dân cư; thực hiện mô hình văn phòng dùng chung của cấp ủy, chính quyền cấp xã.

Tại Nghệ An, theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hệ thống chính trị cấp xã còn một số hạn chế, bất cập. Nổi lên là quy mô cấp xã và khối xóm, thôn, bản nhiều nơi còn nhỏ, tổ chức bộ máy cồng kềnh, chồng chéo. Nhiều địa phương chưa phân định rõ được vai trò, chức năng quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền với hoạt động mang tính chính trị - xã hội của mặt trận và các đoàn thể.

Đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách đông nhưng chưa mạnh (trung bình 40,8 người/xã và 10,3 người/xóm). Trong khi đó, chất lượng của một bộ phận cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách còn hạn chế.

Ngân sách chi cho hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị cấp xã và khối, xóm, thôn, bản hàng năm rất lớn, nhưng chế độ tiền lương, chế độ hỗ trợ tính cho từng người làm việc lại thấp, nhất là chế độ hỗ trợ đối với những người hoạt động không chuyên trách, do vậy chưa khuyến khích, thu hút được những người có trình độ, năng lực về làm việc trong bộ máy của hệ thống chính trị cấp xã và khối, xóm, thôn, bản, dẫn đến thực trạng “người thì đông, nhưng công việc không trôi chảy”...

Nguyễn Văn Nhật