Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện nay, Việt Nam xếp thứ 48 toàn cầu và thứ 4 trong các nước ASEAN về chỉ số phát triển logistics. Việt Nam hoàn thành việc xác định 18 tuyến quốc tế đường bộ. Các cảng biển Việt Nam đã đầu tư, xây dựng quy mô lớn, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng trên 100.000 tấn; có 70 đường bay quốc tế… rất có lợi thế để phát triển dịch vụ logistics. Tuy nhiên, vấn đề nan giải hiện nay của ngành này là nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu.

Theo PGS.TS.Trịnh Thu Hương, Trưởng bộ môn Vận tải - Bảo hiểm, Đại học Ngoại thương, logistics đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của DN. Ứng dụng được logistics tốt sẽ giúp DN giảm chi phí nhân lực và thời gian làm việc, giúp giá thành sản phẩm giảm đáng kể, gia tăng khả năng cạnh tranh. “Thế nhưng, đến nay 53,5% DN trong ngành logistics vẫn đang thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đa phần, lao động của ngành này chưa được đào tạo bài bản, DN phải tốn thêm thời gian và chi phí để đào tạo lại, chưa kể đến tình trạng “chảy máu” nguồn nhân lực sang các DN đầu tư nước ngoài (FDI)”, bà Hương nói.

Sự khó khăn về nguồn nhân lực của các DN ngành này càng được nhân lên khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) và sắp tới là hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước trên thế giới.

Theo ông Lê Minh, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Kho vận Việt Nam (Vinalogistic), logistics và ngành xuất nhập khẩu có mối quan hệ mật thiết với nhau, vì thế, hệ thống công việc trong 2 ngành này có tới 127 vị trí có thể tuyển dụng nhân lực. “Nhân lực để làm việc tại Việt Nam có nhiều, nhưng nhân lực có chuyên môn, chứng chỉ quốc tế trong ngành logistics lại đang rất thiếu. 15 năm tới, ngành logistics tại Việt Nam vẫn lo thiếu nhân lực khi thị trường xuất nhập khẩu ngày càng mở rộng. Vì thế, đây là cơ hội để thu hút giới trẻ, nhưng các bạn cần phải định hướng sớm học gì, lấy chứng chỉ gì và tích lũy đủ kiến thức”, ông Minh đặt vấn đề.

Kết quả khảo sát cho thấy, thị phần của các DN logistics nội địa tăng trung bình khoảng 15 - 20% trong năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trung bình từ 8 - 10% mỗi năm và khối lượng giao dịch ngày càng tăng, do đó, nhu cầu cho dịch vụ logistics như: Kho bãi, đóng gói, vận chuyển, giám định sẽ gia tăng tương ứng. 

 Các chuyên gia nhận định, sẽ có làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam sau khi gia nhập AEC hay TPP, tạo ra nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức cho các DN dịch vụ logistics của Việt Nam. Đặc biệt, với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, dự tính trong 5 năm tới, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 200 tỷ USD, đây sẽ là cơ hội để ngành logistics Việt Nam đón đầu sự phát triển.

 Theo bà Bùi Thị Lệ Hằng, Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Logistics Hàng không ALS, lĩnh vực này chịu sự chi phối của nhiều tổ chức quốc tế nên người làm việc cần phải đạt được một số chứng chỉ nhất định do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cung cấp hoặc chứng chỉ hàng hóa cơ bản, an ninh hàng không…

 Đây là những yêu cầu bắt buộc và là điều kiện cần để nhân lực ngành này tiến xa hơn. “Trong khi đó, tại Việt Nam, mới chỉ có một trường đại học có đào tạo bài bản về chuyên ngành logistics cho sinh viên, còn lại, logistics chỉ là môn học phụ. Chưa kể đến, việc đào tạo ở trường chỉ là học tập lý thuyết, còn thực tế khi vào nghề lại là chuyện hoàn toàn khác”, bà Hằng quan ngại.

Hiện, nhiều DN đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… đã quan tâm trước, kịp thời đến mở văn phòng tại Việt Nam để đón đầu làn sóng đầu tư từ các DN của quốc gia của họ. Trong khi, đa phần DN logistics Việt Nam là DN vừa và nhỏ, việc kinh doanh vẫn là “gia công” cho các DN lớn nên tính chủ động bị hạn chế. Cộng với nhân lực yếu, đương nhiên nhiều DN vẫn phải đứng ngoài cuộc đua phát triển hoặc chấp nhận M&A (mua bán, sáp nhập) với các DN lớn.

 Trần Quý - Thế Anh